|
Theo y học cổ truyền, cây tần dày lá (hay còn gọi là cây húng chanh) có mùi thơm, tính ấm, vị chua the, đi vào phế và có công dụng giải cảm, khu phong tà, trục (tống) hàn (lạnh), sát khuẩn, tiêu đàm, khử độc. Theo lương y Phạm Như Tá, cổ truyền và dân gian thường dùng tần dày lá để chữa trị bệnh cảm cúm, viêm họng, ho, lạnh phổi, côn trùng độc cắn, hôi miệng...
Có một số cách vận dụng tần dày lá trong vài bệnh thường gặp:
- Để trị tình trạng cảm cúm, cảm có kèm theo sốt, đau đầu, nghẹt mũi, và ho có đờm, có thể dùng khoảng 20 gr tần dày lá tươi đem giã nhỏ để vắt lấy nước cốt và uống. Hoặc có thể gia (cho) thêm gừng 12 gr, hành 12 gr, cùng với lượng lá tần nói trên đem nấu lấy nước uống, hoặc nấu để xông cho ra mồ hôi.
- Nếu bị viêm họng, có thể dùng 20 gr tần dày lá, 15 gr vị thuốc kim ngân hoa, 15 gr sài đất, 12 gr xạ can, 12 gr cam thảo đất, đem nấu lấy nước uống trong ngày.
- Nếu bị ho do thời tiết, ở quê chúng ta có thể dùng 15 - 20 gr tần dày lá, một ít lá chanh, vỏ quýt, gừng tươi (mỗi loại chừng 5 gr), đường phèn 10 gr - đem tất cả nấu nước uống trong ngày. Ho và viêm họng do thời tiết cũng có thể dùng vài lá tần này nhai (nuốt nước, bỏ xác) cũng rất hay.
Tương tự, củ gừng cũng có mùi thơm, tính ấm, vị cay. Trong các bài thuốc giải cảm phong hàn của cổ truyền và dân gian cũng thường được gia thêm vài lát gừng tươi nhằm tăng thêm hiệu quả. Nhiều trường hợp bị cảm lạnh đau đầu do trúng mưa, dùng củ gừng tươi để cạo gió (thay vì lấy đồng xu hay vật cứng khác để cạo) sẽ cho kết quả rất tốt.
|
Theo lương y Quốc Trung, trường hợp chúng ta dùng thực phẩm sống, lạnh, hay bị cảm lạnh mà gây nôn ói - lúc này ta lấy củ gừng tươi đem nướng lên để ăn, hoặc nấu nước uống sẽ cầm nôn ói rất hay. Nếu bị ngộ độc thức ăn, hay bị bội thực, chúng ta đem lùi (nướng) củ gừng rồi giã nhỏ lấy nước hòa với ít nước chín để uống cũng rất hay.
Mùa này trời mưa nắng thất thường, những người hay đi ngoài trời dễ bị cảm. Nếu bị bệnh, có thể nấu nồi cháo nóng với gừng để ăn cho ra mồ hôi mà giải cảm.
Khánh Vy
>> Tần dày lá trị bệnh
>> Dùng gừng trị ho
>> Vị thuốc từ gừng
Bình luận (0)