Chính vì thế, việc bảo vệ loài cây đặc biệt hiếm này vô cùng khó khăn, nhất là khi các đầu nậu gỗ lậu ráo riết săn lùng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, với giá mua ngất trời…
Ráo riết chặt hạ
Chúng tôi có mặt ở xã EaRal (huyện Ea H’Leo, Đăk Lăk), nơi duy nhất trên thế giới còn lại quần thể cây thủy tùng, theo công bố của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên - WWF (một số nơi khác chỉ còn vài cây, chứ không có quần thể như ở Việt Nam.
Ở Cirencester, Gloucestershire, nước Anh, có một bức tường thành bằng cây thủy tùng 300 năm tuổi, cao hơn 12 m, bao bọc lâu đài Bathurst Estate của Huân tước Allen Apsley).
Trên đường tìm vào khu hồ Earal, chúng tôi gặp kiểm lâm viên Bùi Tiến Thông, người được Chi cục Kiểm lâm Đăk Lăk cử về trông coi loài cây đặc biệt hiếm này.
Hàng mộc làm từ gỗ thủy tùng này có giá hàng chục triệu đồng - Ảnh: Đức Kế |
Theo anh Thông, khúc gỗ này dài một mét hai, đường kính bảy mươi phân, giá 50 triệu đồng! Nếu mang ra đến đường cái, giá sẽ thêm vài chục triệu nữa.
Những năm 1978 - 1980, để chắn nước xây dựng đập thủy lợi EaRal, hàng trăm cây thủy tùng cỡ lớn được đốn hạ. Đối với người dân trong vùng rừng núi này, thời điểm đó, thủy tùng không phải là loại được dân chuộng. Thậm chí, nhiều người dùng thủy tùng làm các công trình phụ như nhà vệ sinh, chuồng gia súc, gia cầm...
Thế nhưng gần đây, do có tin đồn thủy tùng có thể chữa được ung thư nên gỗ thủy tùng được săn lùng ráo riết. Hơn nữa, thời gian qua, do được biết loài cây này rất hiếm, vân gỗ lại đẹp nên dân chơi đồ gỗ, bỏ nhiều tiền để sưu tầm, tạo nên cơn sốt gỗ thủy tùng.
Chính vì thế, không chặt được cây, lâm tặc chuyển sang hướng lặn xuống hồ xăm tìm gỗ ở ngay chân đập. Gỗ này lại quý hơn vì đã được ngâm dưới nước hàng chục năm, màu gỗ chuyển từ đỏ sang xanh đen, vân gỗ càng nổi, hấp dẫn giới sành đồ gỗ.
Kiểm lâm thuê một bà cụ trông coi cây thủy tùng mỗi tháng 600.000 đồng |
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Lê Đức Quang - Chủ tịch UBND huyện Ea H’Leo cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện, các cơ quan chức năng đã bắt được 12 vụ với 15 đối tượng khai thác, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ gỗ thuỷ tùng. Vài ngày nữa, các vụ án này sẽ lần lượt được xét xử lưu động.
Sắp tuyệt chủng
Trạm Quản lý bảo vệ cây thủy tùng EaRal giữa trưa, vắng người qua lại. Hàng rào thép gai dựng cả chục năm nay, đã có chỗ xiêu vẹo, rách toác vì lâm tặc. Phía xa, mấy chục cây thủy tùng ngọn đã trơ lá, dấu hiệu của sự già cỗi. Được phép của lực lượng kiểm lâm, chúng tôi trèo qua hàng rào, đến nơi sinh trưởng của cây thủy tùng.
Cây thủy tùng gần nhất mà chúng tôi tiếp cận được có đường kính gốc hơn bốn mươi phân, cao chừng chục mét. Ngọn cây đã trơ lá và bắt đầu khô.
Những cây xung quanh cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều gốc cây đã bị xới bật, trơ trọi. Một số gốc cây mới bị chặt hạ còn tươi màu đỏ đặc trưng. Mấy cây khác bị tróc lấy hết rễ (nghe đâu để chế thuốc chữa ung thư?!), chắc khó sống nổi qua mùa mưa này.
Theo tài liệu ghi chép của Chi cục Kiểm lâm Đăk Lăk, tại huyện Ea H’Leo còn khoảng 200 cây, huyện Krông Năng còn 30 cây. Tại huyện Krông Năng, ngành kiểm lâm phải thuê một bà cụ trông coi cây thủy tùng sát nhà với lương 600.000 đồng mỗi tháng.
Thế nhưng, thủy tùng vẫn lần lượt bị đốn hạ. Từ đầu năm đến nay, riêng ở Ea H’Leo đã có bốn cây bị lâm tặc chặt. Ở huyện Krông Năng, lực lượng kiểm lâm vừa bắt giữ gần 40 m3 gỗ thủy tùng. Tại Ea H’Leo, gần chục mét khối gỗ quý là tang vật trong các vụ án liên quan, chất đống ở Hạt Kiểm lâm.
Gần đây, do có tin đồn thủy tùng có thể chữa được ung thư nên gỗ thủy tùng được săn lùng ráo riết. |
Bảo vệ nghiêm ngặt là vậy nhưng dân chơi vẫn không khó mua đồ mộc làm từ gỗ thủy tùng. Gõ từ “gỗ thủy tùng” bằng công cụ tìm kiếm Google, chưa đầy một giây đã cho tới 6.370 kết quả, nào là bán tượng Di Lặc, lục bình, bộ tam đa... bằng gỗ thủy tùng.
Trong vai dân buôn sành đồ gỗ, chúng tôi qua cầu Krông Năng rẽ vào con đường nhỏ đến nhà C.H, hỏi mua thủy tùng. Sau vài phút rụt rè, anh H. chủ nhà mang ra khá nhiều lục bình, tượng Phật bằng gỗ thủy tùng. Đây là thuỷ tùng lấy từ đáy hồ EaRal nên chất lượng miễn chê, H. giới thiệu.
Cầm trên tay, nhìn bộ tam đa (Phúc - Lộc - Thọ) nổi bật với vân cuộn, màu xanh đen, anh bạn tôi xuống giá mười lăm triệu đồng. Còn đôi lục bình cao sáu mươi phân, giá ba triệu rưỡi. Chiếc lọ tăm bé xíu giá nửa triệu đồng.
Thấy khách có vẻ sành và sộp, H. rỉ tai tôi: Anh cần mua bao nhiêu cũng có. Em có thể mua gom cho anh với giá mềm...
Cũng theo H., nhiều gia đình thấy giá quá cao đã dỡ cả cột nhà, vì kèo bằng thủy tùng đem bán. Có gia đình xây được tòa nhà ba tầng khang trang, thậm chí mua được cả xe ôtô.
Hơn năm trở lại, nguồn cung đã cạn, đầu nậu thuê người dân địa phương lặn tìm thủy tùng ở các hồ vốn là nơi sinh trưởng của loài cây này và mua với giá ngất trời. Nguy cơ tuyệt chủng của thủy tùng đã quá rõ ràng.
Năm 2007, có tin vui khi giảng viên và học viên cao học Khoa Nông - Lâm, Đại học Đà Lạt đã thành công trong việc nhân giống trong ống nghiệm đối với thuỷ tùng Việt Nam, loài cổ vật được xem như hóa thạch sống của ngành Hạt trần.
Thế nhưng, theo ông Vinh thì thật đáng tiếc là khi đưa chồi ra trồng ở điều kiện tự nhiên thì không thể sinh trưởng. Hy vọng nhân giống để bảo tồn thuỷ tùng vẫn chưa thể thành hiện thực.
Cũng theo ông Vinh, dù đã thành lập Trạm Quản lý bảo vệ cây thủy tùng EaRal nhưng việc bảo vệ vẫn rất khó khăn do thiếu nguồn kinh phí, thiếu nhân lực. Hơn nữa, lâm tặc thường lợi dụng lúc đêm khuya, trời mưa bão để chặt trộm, rất khó phát hiện.
Mấy tháng trước, ông Vinh có gửi văn bản lên trên đề nghị thành lập Khu sinh quyển Thủy tùng để có thể chủ động nguồn kinh phí, cơ chế chính sách, bảo vệ loài cây sắp tuyệt chủng này nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.
Vì thế, việc bảo vệ loài cây đặc biệt quý hiếm, cả thế giới chỉ còn duy nhất một quần thể ở Việt Nam, xem ra còn bội khó khăn.
Theo Đức Kế / Tiền Phong
Bình luận (0)