Tan giấc mơ “bay”

11/09/2011 23:15 GMT+7

Nhiều học viên phải đóng từ 3.700 - 4.500 USD để được đào tạo thành tiếp viên hàng không nhưng chuyện học hành cuối cùng bị dang dở vì cơ sở đào tạo đóng cửa.

Đã hơn 1 năm nay, Trần Phan Thế Mỹ - cựu học viên của Cơ sở ngoại ngữ đào tạo và phát triển giáo dục toàn cầu (EDUWORLD - thuộc Công ty cổ phần quốc tế Việt Sinh, có trụ sở trước đây tại 93A Nguyễn Chí Thanh, P.9, Q.5, TP HCM) - cùng hơn 20 học viên khác phải dang dở chuyện học hành để đi khiếu nại. Theo trình bày của Mỹ, sau khi đăng ký tham gia và trúng tuyển khóa học “Chứng chỉ dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp dành cho tiếp viên hàng không” của EDUWORLD, các học viên đóng học phí 3.700 - 4.500 USD, bao gồm các khoản: phí đăng ký chứng chỉ IATA (Hiệp hội Vận chuyển hàng không quốc tế), phí thực tập an toàn bay, tiếng Anh...


Luật sư Hoàng Thị Kim Hường (giữa), đại diện cho các học viên khiếu kiện EDUWORLD, và các học viên đang trình bày sự việc tại tòa soạn Báo Thanh Niên - Ảnh: Thanh Đông

Trong hợp đồng, trường EDUWORLD cam kết hỗ trợ cho học viên được học tiếng Anh miễn phí, hướng dẫn, đào tạo và hỗ trợ phỏng vấn xin việc để trở thành tiếp viên hàng không tại các hãng hàng không trong và ngoài nước. Hợp đồng đã ký, tiền đã đóng nhưng các học viên chỉ được học 1 tuần tiếng Anh thì cơ sở này đóng cửa để sửa chữa rồi... đóng cửa luôn.              

Khi phát hiện, các học viên khiếu nại thì ông Nguyễn Huỳnh Khoa - Giám đốc Công ty Việt Sinh - thừa nhận công ty không có chức năng đào tạo “Chứng chỉ dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp dành cho tiếp viên hàng không”. Để giải quyết vấn đề, ông Khoa đề nghị hơn 20 học viên chuyển sang học tại Học viện Hàng không. Không đồng ý, các học viên yêu cầu trả lại tiền thì ông Khoa cho biết không còn khả năng trả, công ty đang tiến hành thủ tục pháp lý để giải thể.

Tại tòa soạn Báo Thanh Niên chiều 5.9, học viên Trần Yến Minh bức xúc: “Một số bạn đã đồng ý chuyển sang học tại Học viện Hàng không, nhưng chưa đầy 4 tháng thì phải nghỉ học vì EDUWORLD không trả tiền cho học viện theo như đã cam kết. Chúng tôi một lần nữa phải bơ vơ vì vừa mất thời gian học, lại không được cấp bằng”.

Tiếp xúc với Thanh Niên, ông Khoa thừa nhận toàn bộ những sai sót của mình và cho biết đang thương lượng với các học viên để trả nợ. Ông Khoa nói thời điểm 2007, Công ty Việt Sinh liên hệ và được IATA (có văn phòng tại Singapore) gửi e-mail xác nhận cho EDUWORLD đào tạo “Chứng chỉ dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp dành cho tiếp viên hàng không”. Trên cơ sở đó Công ty Việt Sinh tuyển sinh mà không xin phép cơ quan chức năng. Đào tạo được 3 khóa thì xảy ra tranh chấp vì tính pháp lý của EDUWORLD. Không có giấy phép, EDUWORLD vẫn tiếp tục tuyển sinh khóa 4 và khóa 5, sau khi nhận tiền của các học viên thì cơ sở này đóng cửa.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, sau khi đóng cửa cơ sở EDUWORLD, Giám đốc Khoa phải đi làm thêm cho một công ty khác và vẫn còn nợ học viên số tiền khá lớn.

Cam kết “bảo mật”

Trong Biên bản thỏa thuận và cam kết giữa EDUWORLD và các học viên có ghi rõ tại điều 1: “Bên A (tức EDUWORLD) khẳng định việc cơ quan quản lý nhà nước chưa hoàn tất thủ tục cấp phép cho bên A được phép đào tạo tiếp viên hàng không hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc hỗ trợ bên B thi lấy bằng tiếp viên của IATA cấp”.

Và tại điều 4 ghi: “Hai bên cam kết không tiết lộ một phần hoặc toàn bộ nội dung của thỏa thuận này. Những nội dung hoặc thỏa thuận trong bản hợp đồng này sẽ hiển nhiên không còn giá trị nếu các bên vi phạm cam kết bảo mật này”.

Thiên Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.