Nỗ lực khám phá thành phố vàng bị mất tích tại Nam Mỹ của các nhà khảo cổ học cuối cùng cũng thu được kết quả, dù nó khiến nhiều người vỡ mộng. Theo các chuyên gia, trên thực tế chẳng có nơi nào gọi là thành phố vàng El Dorado cả, mà đây là tên của... một người.
Lần theo lịch sử, chính sự khai phá Nam Mỹ của Christopher Columbus vào năm 1492 đã mở ra chương đầu tiên của sự xung đột văn hóa, với một bên là niềm tin tôn giáo của người bản xứ, bên còn lại là của những kẻ đến từ thế giới văn minh. Cũng chính người châu u đã thêu dệt nên huyền thoại về thành phố vàng bị mất tích, thu hút vô số nhà thám hiểm cũng như những kẻ săn vàng đổ xô đến vùng đất còn hoang sơ. Đối với thổ dân Nam Mỹ, El Dorado chưa bao giờ là một địa điểm, mà thay vào đó là tên một người giàu sụ. Giàu đến nỗi người ta đồn ông thường dát vàng lên toàn cơ thể, từ đầu đến chân, theo báo cáo đăng trên BBC.
|
Câu chuyện thực sự đằng sau huyền thoại trên đã được xâu chuỗi một cách chậm chạp trong những năm gần đây, nhờ vào sự kết hợp giữa tài liệu cổ mới được giải mã, và các nghiên cứu khảo cổ. Trung tâm của câu chuyện này là một nghi thức đặc biệt được tiến hành bởi người Muisca, dân tộc sống tại miền trung Colombia từ năm 800 đến ngày nay.
Vào đầu thế kỷ 16, nhiều nhà chép sử Tây Ban Nha đến lục địa mới và viết về nghi thức của El Dorado. Một trong những tài liệu chính xác nhất thuộc về Juan Rodriguez Freyle. Trong cuốn sách xuất bản năm 1636, Freyle đã đề cập đến một thực tế rằng khi một thủ lĩnh của Muisca qua đời, quá trình kế vị để chọn ra “người vàng mới” bắt đầu tiến hành. Vị thủ lĩnh mới được chọn, thường là cháu trai của người trị vì quá cố, sẽ phải thực hiện một nghi lễ kéo dài, với phần cuối sẽ là ngồi bè vào khu hồ thiêng, như hồ Guatavita ở miền Trung Colombia. Được bao quanh bởi 4 thầy tế cấp cao nhất, tân thủ lĩnh không mặc gì trên người, mà thay vào đó phủ bột vàng lên toàn cơ thể, được trang điểm thêm lông vũ, vương miện vàng, đồ trang sức. Vị thủ lĩnh mới bắt đầu tung vàng bạc, ngọc ngà, châu báu xuống hồ để cúng tế thần linh.
Đối với người Muisca, vàng, hay châu báu không có nghĩa là của cải biểu thị sự giàu có, mà là phương tiện để cúng tế thần linh, theo nghiên cứu của Viện Khảo cổ học UCL (Anh). Người Muisca hy vọng các thần duy trì trạng thái cân bằng của vũ trụ và đảm bảo được mối quan hệ ổn định với môi trường mà họ đang sống. Theo nhà khảo cổ học Roberto Lleras Perez, chuyên gia về hệ thống tín ngưỡng và đồ tạo tác vàng, chưa có xã hội nào dành hơn 50% sản vật của họ để dâng cho thần linh như người Muisca.
Một hệ lụy đáng buồn là từ những nghi lễ của người Muisca, dân châu u sáng mắt lên khi tưởng tượng hàng đống vàng nằm dưới lòng hồ sâu, cũng như được chôn tại những nơi thiêng liêng khác xung quanh Colombia. Bỏ qua những cuộc săn vàng trong quá khứ, hiện các công trình khảo cổ của giới khoa học tại Nam Mỹ đang đối mặt với nạn cướp bóc liên tục. Cuối cùng, những tạo tác nghệ thuật của các nền văn hóa bản địa thời xưa đã kết thúc cuộc đời trong các lò nung của những kẻ săn vàng.
Hạo Nhiên
>> Huyền thoại về người sói
>> Đấu giá viên kim cương huyền thoại
>> Huyền thoại nơi rồng ẩn mình
>> Huyền thoại cỏ xanh
>> Dấu vết gien của nữ hoàng huyền thoại
Bình luận (0)