Tấn Hoàng: 'Cứ chân thật, khán giả sẽ cười'

18/01/2015 04:00 GMT+7

Một cây hài rất có duyên nhưng hết sức gian nan để bám trụ cùng sân khấu và nếu không có câu nói của NSND Diệp Lang thì có lẽ bây giờ không tồn tại một Tấn Hoàng được khán giả yêu mến.

Một cây hài rất có duyên nhưng hết sức gian nan để bám trụ cùng sân khấu và nếu không có câu nói của NSND Diệp Lang thì có lẽ bây giờ không tồn tại một Tấn Hoàng được khán giả yêu mến.

 Tấn Hoàng (trái) và Mạnh Tràng trong vở Tử hình - Ảnh: H.K Tấn Hoàng (trái) và Mạnh Tràng trong vở Tử hình - Ảnh: H.K
Vào nghề cùng những cơn đói

16 tuổi, chàng trai đã đi theo Đoàn cải lương Sài Gòn 2, và được đóng vai… quân sĩ. Hình như lúc đó Tấn Hoàng chẳng ý thức gì về nghề, chẳng nghĩ mình sẽ làm nghệ sĩ, mà đi theo cải lương chỉ để được coi cho đã.
Tôi không được học hành trường lớp, chỉ thọ giáo sau cánh gà. Nhưng tôi có một nguyên tắc là diễn phải chân thật. Đừng có nhấn, đừng có gài, hoặc thọt lét, người ta không cười đâu. Cứ nói một cách chân thật từ chính tâm lý nhân vật thì khán giả cười liền
 
Nhưng hậu trường không thiếu mồ hôi và nước mắt, đôi khi nó bạc đãi người ta vô cùng, mà có thể đó cũng là thử thách để xem người ta có đủ “duyên nợ”, đủ nghị lực theo đuổi hay không. Chàng trai trẻ đã hứng chịu những cái cú đầu khi không làm vừa lòng các “ngôi sao”, hứng chịu những cơn đói lả suốt mấy ngày, thậm chí có lần phải “ăn quỵt”.

Ghe hát rày đây mai đó, nghệ sĩ hết tiền là chuyện thường, nhất là anh em hậu đài, quân sĩ, lương bèo bọt lắm. Lần đó, Tấn Hoàng thèm cái giò heo quá đỗi, đánh liều mua ăn, xong chui xuống hầm ghe mà trốn bà chủ tiệm, khi ghe chạy mới dám chui ra. Một lần khác, ghe ở Cà Mau nhổ neo chạy về Cần Thơ biểu diễn, Tấn Hoàng lại ngủ quên, thế là phải xin quá giang ghe khác rượt theo. Ghe đi suốt 2 ngày 1 đêm, túi không có một cắc, Tấn Hoàng đói gần xỉu. Lúc đó ngồi bên cạnh có bà mẹ cầm ổ bánh mì dỗ thằng con mà nó cứ quầy quậy không chịu ăn, Tấn Hoàng chụp ổ bánh mì: “Ăn đi con, ăn như chú nè! Ăn vầy mới giỏi nè!”. Và anh cắn một miếng thiệt bự. Ổ bánh mì trơn không thịt thà gì hết mà nghe như có thuốc hồi sinh, thơm tận ruột gan. Bà mẹ gật đầu lia lịa: “Ờ, con ăn như chú đi!”. Thằng bé vẫn không ăn. Lát sau bà mẹ ngủ khì, Tấn Hoàng nói với cậu nhỏ: “Chú ăn hết nghen, lát nữa mẹ thức, chú nói là con ăn!”. Thằng bé chịu liền.

Những kỷ niệm đầy nước mắt đó khó mà phôi pha trong ký ức…

Nhưng ký ức sâu đậm của Tấn Hoàng còn là những năm tháng bị ăn hiếp, bị vùi dập, bởi cái thân phận “quân sĩ” nghèo nàn, ít học. Anh quyết định bỏ nghề. Nghệ sĩ Diệp Lang lúc đó đang là thành viên trong ban lãnh đạo Đoàn Sài Gòn 2, bèn khuyên anh: “Đi cải lương mà tự ái thì đừng đi cải lương!”. Câu nói của ông làm Tấn Hoàng tỉnh ngộ, có thêm sức lực mà đi tiếp con đường gian truân. Bởi Diệp Lang luôn là “thần tượng” của anh. Anh nói: “Hầu như mọi người đều nể nang và yêu mến chú Diệp Lang, vì ông vừa giỏi nghề, vừa có đạo đức, tình thương. Nhờ câu nói của chú mà tôi quyết lòng bám trụ”.

Lên hương

Đời bắt đầu “lên hương” khi nghệ sĩ hài Giang Thảo của Sài Gòn 2 phát hiện Tấn Hoàng có duyên chọc cười thiên hạ. Ông nói với quản lý đoàn cho Tấn Hoàng phụ diễn với ông trước giờ mở màn. Thành công bất ngờ. Rồi vợ của nghệ sĩ Minh Vương lại dắt Tấn Hoàng đi hát show chung với nhóm, khi thì trích đoạn cải lương, khi tấu hài, khi ca nhạc… Tấn Hoàng diễn mấy vai rất có duyên là chú thợ bạc (trích đoạn Đời cô Lựu), cậu Ba Tân (Tô Ánh Nguyệt)… Sau đó, nghệ sĩ Kim Ngọc rủ Tấn Hoàng về chung nhóm, rồi đến Văn Chung, Duy Phương, Bảo Chung. Tấn Hoàng có cơ hội làm việc với các danh hài suốt gần 20 năm. Cuối cùng, anh về cộng tác với Kịch Sài Gòn 10 năm nay.

Cái duyên kịch dài bắt đầu khi nghệ sĩ Quyền Linh quá bận rộn với chương trình Vượt lên chính mình nên Phước Sang bảo Tấn Hoàng thay vai, riết rồi thay luôn, và có thêm vở mới để diễn liên tục. Bây giờ Tấn Hoàng gần như là “cái tên bán vé” của Kịch Sài Gòn dù cho có đào kép trẻ đẹp đi nữa. Và anh cũng có mặt trong gần 30 bộ phim truyền hình như Kỳ phùng địch thủ, Bụi đời, Dốc sinh tồn, Bản kê số phận, Bông hồng không dành cho em

Mới đây Tấn Hoàng tham gia bộ phim nhựa Hận thù hóa giải, đóng với Thương Tín trong vai hai người bạn sĩ quan Sài Gòn và bộ đội, khi anh cất giọng ca cải lương thì cả đoàn phim chảy nước mắt. Bởi không chỉ đóng hài, khi nào cần bi là Tấn Hoàng lấy nước mắt được ngay. Cuộc đời lận đận ấy đã giúp cho anh có được những giọt nước mắt quý giá trên sàn diễn.

Tiếng cười trầm lặng

Diễn viên hài thường chọn cách diễn cường điệu, tận dụng hình thể và ngôn ngữ để sân khấu sôi động lên, dễ gây chú ý. Nhưng Tấn Hoàng thì ngược lại, anh diễn rất trầm, thậm chí có nhiều câu thoại anh chỉ “bỏ nhỏ”, vậy mà khán giả cười cái rần. Nhiều người khó tính, hoặc giới trí thức lại thích nét diễn trầm như thế, và cho rằng đó mới là “cao tay”. Quả thực, nghệ thuật “thả chữ”, “thả câu” của anh rất khéo.

Tấn Hoàng nói: “Tôi không được học hành trường lớp, chỉ thọ giáo sau cánh gà. Nhưng tôi có một nguyên tắc là diễn phải “chân thật”. Đừng có nhấn, đừng có gài, hoặc thọt lét, người ta không cười đâu. Cứ nói một cách chân thật từ chính tâm lý nhân vật thì khán giả cười liền.

Vì vậy người ta ấn tượng rất mạnh với vai ông Phong, sĩ quan giám thị trại giam, trong vở Tử hình. Một nhân vật rất nghiêm túc, không được “quậy”, nhưng chỉ cần Tấn Hoàng thả chữ, thả câu một cách nhẹ nhàng là khán giả bật cười. Một ông cán bộ khác trong vở Tội ác quyền lực dù ăn chơi sa đọa nhưng cũng không thể nhí nhố, vậy mà Tấn Hoàng xử lý ngọt như không. Cười mà không hề có câu nào nói bậy, nói tục, không to tiếng, ồn ào, không nhảy nhót lung tung. Khán giả yêu mến anh là vì thế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.