Tan hoang Đồng Nò

04/10/2006 14:46 GMT+7

Quận Cẩm Lệ như một cánh cung vòng qua hướng Tây - Nam của TP Đà Nẵng. Thôn Đồng Nò với 70 hộ dân chuyên nghề làm nông, đánh lưới trên sông, chăn nuôi heo bò từ hàng chục năm nay nằm ở cực Nam của vòng cung ấy, bỗng dưng trở thành tổ dân phố số 32 thuộc phường Hoà Xuân, vốn là một xã nông nghiệp vùng thấp trũng thuộc huyện Hoà Vang trước đây.

Dân gian gọi tên Đồng Nò, vì đây là một gò đất thổ nằm bên vùng sông Cổ Cò bị bồi lấp. Nhân dân các xã Hoà Xuân trước đây thường đặt nò, thả lưới dưới sông và dựng chòi tạm ở đây để nghỉ ngơi hoặc chăn dắt ít bò heo, giâm tỉa ít khoai đậu làm lương thực. Từ sau năm 1975, xã Hoà Xuân giãn dân về Đồng Nò như một khu kinh tế mới với khoảng 70 hộ và xây dựng đơn vị hành chính thôn. Khi “lên đời” từ năm 2005, Đồng Nò trở thành tổ dân phố và Trưởng thôn Trần Thanh Tuấn cũng “chuyển hệ” làm Tổ trưởng. Mọi chuyện thay đổi, nhưng đời sống người dân vẫn cứ cơ cực.

Cũng từ năm 2005, nghe có thông tin qui hoạch khu du lịch sinh thái của thành phố, dân cắt đất vườn bán bớt. Người thành phố tìm về mua đất, làm nhà để đó và… chờ thời. Nhờ bán đất, dân Đồng Nò xây dựng được nhà kiên cố… Từ đó đến khi cơn bão dữ Xangsane đổ xuống, tổ 32 Đồng Nò  tuy chỉ có 70 hộ với 310 nhân khẩu, nhưng lại có đến 116 ngôi nhà các loại và một nhà văn hoá.


Nhà họp thôn Đồng Nò

Tổ trưởng Trần Thanh Tuấn kể lại cơn bão đi qua đã tàn phá Đồng Nò tan hoang. Chỉ có 4 ngôi nhà trong số đó còn tương đối nguyên vẹn. Trong số 3 người bị thương trong đêm bão dữ, có một sinh viên trường Cao đẳng Phương Đông Đặng Quốc Việt, quê ở Quảng Ngãi, đang thập tử nhất sinh tại bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng do  chấn thương sọ, phù não và dập phổi. Việt ra trường nhưng không có việc làm, sang  đây  phụ nghề thợ mộc với bạn bè. Trong bão, trại mộc sập, họ kéo sang nhà hai tầng của anh Đặng Đê bên cạnh để tá túc. 7 giờ 15 phút sáng 1.10, nhà anh Đê đổ nhào. Chị vợ và một đứa con bị thương bể đầu, gãy chân. Cháu trai Đặng Nguyên An đang cùng mấy đứa trẻ phơi đống sách vở ướt nhèm nói như không: “ Khi nước ngập vô nhà thì nhà sụp cái rầm không kịp trở tay. Mẹ gãy chân thì cha phải vô bệnh viện nuôi mẹ!”. Riêng Việt bị cả một mảng tường đổ đè lên…

Trước mặt ngôi nhà tan hoang đó còn có 3 ngôi nhà khác và một nhà văn hoá thôn cùng chung số phận. Đi thêm vài chục mét, hai bên đường bê tông là những ngôi là tốc mái, sập tường khác. Chúng tôi ghé vào một ngôi nhà có nền cao hơn những nhà lân cận. Gian trệt phía trước bị cào bằng. Gian trong, tầng trên tan nát, gạch đá ngổn ngang lấp kín cầu thang. Chủ hộ Trần Phước Chính đang bê  từng mảng bê tông mở lối. Bên ngoài chị vợ Nguyễn Thị Thêm bưng xong được một thanh gỗ thì đứng thở dài chán ngán. Trông hai vợ chồng có đến 5 đứa con lóc nhóc này đã phờ phạc. Bầy vịt choai vài chục con ngoài hè đói kêu inh ỏi…

Trước nhà Chính, một “cụ già” chỉ trên 50 đang cùng cậu con trai cột lại rui mè một cái nhà tranh đã toang hoác, thấy chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp, anh ta nói: “Chụp chi nữa anh, có còn chi đâu mà chụp!". Qua một lối khác, bên cạnh những  đống tôn méo mó, rách tươm, chúng tôi ghé vào ngôi nhà đổ sập hoàn toàn của vợ chồng thương binh Phan Trà và vợ là Lê Thị Bứa. Cuộc chiến tranh để lại cho họ đứa con 13 tuổi bị bại não, suốt ngày  cứ lơ mơ ăn, lơ mơ ngủ. Nhiều năm sau chiến tranh, họ lại bươn chải nơi những cánh đồng phèn chua... để kiếm con cá, hạt lúa và chắt chiu từng đồng xây được một chỗ ở đàng hoàng hơn ông bà cha mẹ mình trước đó. “Nhưng chưa ấm lưng, ông trời lại chẳng chịu buông tha!” - người thương binh loại 2 thở dài tâm sự…

Hình ảnh một Đồng Nò toang hoang chỉ là thu nhỏ của một quận mới Cẩm Lệ còn nửa quê nửa tỉnh và chịu nhiều thiệt hại của cơn bão Xangsane. Bởi theo thống kê của UBND quận, cơn bão đi qua đã làm 3 người chết và 55 người bị thương nặng nhẹ. Con số 1.508 ngôi nhà bị sập hoàn toàn và 11.080 ngôi nhà khác bị tốc mái, xiêu vẹo (chiếm trên 1/5 toàn thành phố), 25 trường học từ mẫu giáo đến THPT bị tốc mái, sập tường, vỡ la phông, phòng phẫu thuật, trung tâm y tế huyện và 4 trạm y tế  phường hoàn toàn bị tê liệt… là một thiệt hại quá lớn của một quận mới. Tuy vậy, đến nay, ngoài một số ít lương thực, tiền hỗ trợ mai táng cho người chết, giúp người bị thương do UBND quận đưa xuống và công sức giúp dân của các đơn vị quân đội, người dân nghèo “quận Cam” ( tên gọi vui của quận Cẩm Lệ - bỏ dấu thành Cam Le) vẫn chưa có sự giúp đỡ nào đáng kể...

Trương Điện Thắng - Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.