Tan hoang vùng tâm bão

03/11/2009 16:16 GMT+7

(TNO) Tâm bão đi qua H.Đông Hòa (Phú Yên) đã làm hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái và sập, khiến nhiều người lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”; hàng trăm người dân nuôi trồng thủy sản rơi vào cảnh trắng tay. Nhiều người liều mình trong bão cứu lấy tài sản, nhưng suýt bỏ mạng vì sóng dữ.

Sống cảnh “màn trời chiếu đất”

Sau khi bão số 11 đi qua huyện Đông Hòa tan hoang, xơ xác. Cây cối ngã đổ còn ngổn ngang; gió giật tung, hất văng nhiều mái nhà xuống đường làm ách tắc nhiều tuyến đường giao thông liên xã. Khó khăn lắm, chúng tôi mới về được thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam (H.Đông Hòa) nơi tâm bão càng quét.

Căn nhà của ông Nguyễn Ngọc Tỷ trống huơ trống hoắc, chỉ còn trơ trụi bốn vách tường. “Gió bão đã hất tung mái nhà xuống trước hiên. Nhà đơn chiếc nên tui chỉ còn biết che tạm tấm bạt trú mưa, chờ nắng lên rồi mới tính”, ông Tỷ bó gối ngồi trong tấm lều bạt thở dài.

Mưa vẫn xối xả làm ướt bằng Tổ quốc ghi công người thân của ông Tỷ. Cơn bão đã quần dập tơi tả cuộc sống người dân nơi đây, ngay cả ông Tỷ với tính cách rất cẩn thận, nhưng do quá mệt mỏi sau thời gian dài chống chọi với bão nên ông đã quên mất việc chuyển tấm bằng Tổ quốc ghi công vào nơi khô ráo cất giữ.

Căn nhà của chị Tô Thị Thu bỗng chốc thành đống đổ nát - Ảnh: Đức Huy 

Gần đó, nhà chị Tô Thị Thu cũng bị gió giật tung, làm sập mái ngói, vách hiên trước nhà bị đổ, chỉ còn lại cái chái nhỏ nhưng lại là chỗ chui rúc cho hơn 7 con người trong những ngày này.

Trên đống đổ nát, lương thực còn sót lại duy nhất là hai quả mít non mà bão đã bẻ, văng vào nhà. Hai mẹ con chị Thu cất giữ chúng để ăn qua ngày. “Mọi đồ đạc trong nhà ướt hết, sách vở của lũ nhỏ cũng bị ướt cả. Thùng gạo mới mua vài ngày hôm trước dành cho cả gia đình ăn để chống chọi với mưa bão, nay đã bị bão vùi sâu dưới lớp gạch ngói”, chị Thu rầu rĩ nói.

Người dân ở thôn Vũng Rô phải cố gắng dành dụm cả đời mới xây được một căn nhà đàng hoàng để trú mưa trú nắng, nhưng với sức bão giật cấp 12 như thế này, mồ hôi công sức của người dân nơi đây coi như đổ sông đổ biển. Ông Tỷ ngao ngán: “Từ trước tới nay, tôi chưa từng thấy cơn bão nào vừa mạnh, vừa dai như cơn bão này. Nó đã cướp đi tất cả những gì mà người dân ở đây nỗ lực cả đời”.

Sau khi bão tan, UBND xã Hòa Xuân Nam đã cử hai đoàn công tác về thôn Vũng Rô thống kê thiệt hại để giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ.

Người dân tranh thủ ra bè tôm để mót những con tôm còn sót lại - Ảnh: Đức Huy

Suýt chết vì tiếc của

Sau một đêm kể từ khi thoát chết trở về, ông Đào Thái Cường (56 tuổi) cùng hai người con rể Dương Văn Hận (24 tuổi) và Lê Hoàng Chung (31 tuổi) vẫn chưa hết nỗi sợ hãi khi đối diện cái chết trong cơn sóng dữ.

Ông Cường bị kiệt sức vì dầm mình trong mưa bão, cố gắng bơi vào bờ, nhưng bị sóng liên tục nhấn chìm, quật tơi tả. Bây giờ, ông Cường vừa mới hồi phục sau khi được đưa đi cấp cứu. 

Ông Cường kể lại: “Từ 8 giờ sáng 2.11, bão đã vào đất liền, nhưng đến 14 giờ 20 thì thời tiết trở nên bình thường. Trời hửng sáng, không còn mưa, gió. Tôi đã từng sống ở biển mấy chục năm nên có kinh nghiệm sau khi bão “im” thì sẽ trở nồm (còn gọi là bão giật - PV), nhưng tôi nghĩ rằng phải hơn nửa giờ nữa mới có thể xảy ra nồm. Vì thế, ba cha con bơi thúng chai ra bè nuôi tôm hùm cách bờ chừng 200m để kiểm tra, xử lý dàn neo.

Chưa kịp làm gì, gió thổi mạnh, sóng dựng cao hơn 4m cứ bổ nhào xuống. Tôi cùng con rể Dương Văn Hận ôm chặt trụ bè, ghì chân không để sóng đánh bật xuống biển.

Cầm cự suốt 2 giờ liền, vừa đói vừa lạnh, trong khi sóng càng ngày càng dữ nên đến 17 giờ thì cả hai cha con bị sóng đánh bay ra khỏi bè. Tôi cố bám víu vào bè bên cạnh, nhưng sóng bổ ầm ầm, cuốn trôi ra biển. Cuối cùng, cả hai cha con tôi may mắn được sóng đánh dạt vào bờ. Lúc này, tôi bất tỉnh”.

Trong khi đó, anh Lê Hoàng Chung đang ngồi trên thúng chai bị sóng đánh, trôi dạt vào bờ được người dân gần đó chạy ra cứu.

Cha con ông Cường vẫn chưa hết nỗi sợ hãi sau khi thoát chết - Ảnh: Đức Huy

Vì muốn đời sống khấm khá hơn, ba cha con ông Cường đầu tư hơn 200 triệu đồng nuôi hơn 1.200 lồng tôm hùm ở Vũng Rô. Mặc dù, cả ba cha con ông Cường biết nguy hiểm, nhưng vì tiếc của nên họ vẫn liều mình bơi thúng chai ra bè để cứu tôm hùm, suýt mất mạng nhưng vẫn bị trắng tay.

Ông Hồ Bon (62 tuổi) cho biết, lúc ba cha con ông Cường bị nạn, có rất nhiều người đứng trên bờ nhưng không ai dám nhảy xuống ứng cứu vì quá nguy hiểm.

Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.