Tản mạn Đường dây nóng

08/02/2010 23:57 GMT+7

Việt Nam có 86 triệu dân nhưng lại có đến hơn 60 triệu thuê bao điện thoại di động (ĐTDĐ). Con số đó nói lên nhiều điều. Nghe đọc bài

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn đề cập đến điều mà hình như Đường dây nóng của báo nào cũng gặp phải, như một lời trần tình nhân dịp xuân về.

1. Tiện ích và tai họa

ĐTDĐ càng ngày càng hiện đại, sự đa tiện ích của nó không nói ra thì chắc bạn đã biết. Cho dù vậy, người sử dụng ĐTDĐ thông thường chỉ tập trung vào 3 công dụng phổ biến: nghe, gọi và nhắn tin. Trong đó, dùng tin nhắn là một cách để người ta thổ lộ điều mà bản thân không thể thốt lên bằng lời. Ví dụ như muốn nói "anh yêu em" nhưng lại ngại ngùng, e thẹn, thậm chí bị... cứng họng, đành mượn tin nhắn để "thay lời muốn nói".

Cái sự nhắn tin không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Do một giây lơ đễnh, bạn đã không biết rằng mình nhắn lộn vào máy người khác. Nếu rơi vào những tình huống như vậy, với những lời nhắn đại loại như "Chiều nay có nhậu không?" thì bình thường; nhưng nếu đó là một bức thư tỏ tình hay đe dọa tính mạng người khác thì nguy to. Với tin nhắn này, tôi biết ngay là người ấy đã nhầm máy: "Tí đi học về ghé chị Duyên mua đồ chay dùm mẹ, gì cũng được" (0909 8433xx). Nếu Đường dây nóng chỉ nhận được những tin nhắn như vậy thì cuộc sống đáng yêu biết bao. Trên thực tế, năm qua chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời kêu cứu của bạn đọc gần xa về sự đe dọa đến tính mạng, tống tiền, chửi bới, văng tục, quấy rối tình dục, gạ gẫm tình yêu... qua ĐTDĐ, thường là bằng tin nhắn, bất kể giờ giấc. Điều này đã làm khổ sở nhiều người, đến mức cơ quan chức năng buộc chủ thuê bao phải khai báo lý lịch trích ngang đặng dễ dàng truy tìm những kẻ quấy rối. Biện pháp này tuy chậm so với sự xuất hiện của ĐTDĐ trên thị trường Việt Nam nhưng cũng khiến cho những người thích quậy phá, những tên tống tiền, những kẻ hăm dọa... phải suy nghĩ lại.

2. Bỗng dưng... có tình yêu

Chuyện kể rằng, có chàng nọ mới quen được một cô gái dễ thương, liền "cho anh xin số nhà và cho biết tên em luôn". Cô gái lúc đầu từ chối, nhưng vì anh chàng si tình cứ nằng nặc đòi đến nhà thăm nên cuối cùng cũng đành tiết lộ. Một ngày đẹp trời nọ, chàng kia hí hửng tìm đến nhà nàng theo địa chỉ đã cho thì mới tá hỏa vì đó là trụ sở... công an quận!

Thời nay, sau khi biết được tên nàng (chẳng biết có phải tên thật hay không nữa), mấy gã si tình thường "cho anh xin số phone di động của em". Ngặt nỗi cô nàng (hoặc chàng) có lẽ thuộc phần tử đáo để, không cho số phone của mình mà lại lấy số... Đường dây nóng của báo chí. Đó là lý do Đường dây nóng Báo Thanh Niên (0903 956 846) trong năm qua gặp không biết bao nhiêu tình huống dở khóc dở cười. Vì lý do tế nhị, những dẫn chứng sau đây đều được chúng tôi giấu 2 số cuối, mong bạn đọc thông cảm.

Thú thật là từ ngày có ĐTDĐ đến giờ, tôi - người phụ trách Đường dây nóng Báo Thanh Niên, vẫn chưa biết gửi tin nhắn như thế nào, chỉ biết đọc tin nhắn mà thôi. Nếu có điều gì đó cần thẩm tra, tôi gọi lại cho độc giả để trao đổi, chứ hoàn toàn không biết nhắn tin bằng ĐTDĐ. Vợ con tôi cũng vậy, bao giờ cũng gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp chứ không gửi tin nhắn. Vậy mà có ai đó nhắn tin (nguyên văn): "Anh, chiều nay anh về sớm nhé, sẽ có điều bất ngờ cho anh" (0122 544 59xx). Cũng số máy đó, nhưng lần khác với nội dung lâm ly, trách móc nhiều hơn: "Anh đang làm gì vậy anh? Sao không trả lời em? Em buồn quá hà!". Hay như những lời tỏ tình, đề nghị sau: "Anh có người yêu chưa? Cho em làm quen với anh được không ạ? Anh gửi tin nhắn cho em biết nhé. Em cảm ơn anh nhiều" (0906 444 2xx); "Anh rảnh không? 8 giờ đi uống cà phê không nè!" (0909 342 2xx). Trời ạ, bà xã tôi mà đọc được những lời nhắn này chắc là rắc rối to. Tin nhắn sau đây cũng rứa: "Nạp em cái thẻ 100 ngay, chốc về gặp sau" (1659 6676xx). Cam đoan là xưa nay tôi chưa hề biết nạp card điện thoại thuê bao trả trước bao giờ.

3. Tình yêu đâu rồi?

Đường dây nóng bên cạnh đó cũng nhận được những tin nhắn được đánh giá là nghiêm túc, nếu xét về nội dung: "Tôi lấy chồng đã có 2 mặt con và có chút vốn, vậy mà chỉ có chút mâu thuẫn nhỏ mà ảnh đã chê tôi, hắt hủi tôi, đi cặp bồ với người đã có chồng. Anh ta nói tôi làm nhục làm khổ ảnh. Bây giờ ảnh muốn thoát khỏi tôi. Vậy theo bạn có nên ly dị không? Xin lỗi đã làm phiền" (1678 1989xx). Người nhắn rất lịch sự nhưng đúng là bi kịch! Tôi không phải chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn hôn nhân nên không dám đưa ra "lời phán quyết" nào cả, vả lại chuyện ấy không thuộc phạm trù giải quyết của Đường dây nóng Báo Thanh Niên. Chỉ thầm mong cho gia đình của chị ta đừng phải dắt nhau ra tòa.

Có một anh chàng thất tình tuần nào cũng nhắn tin cho Đường dây nóng với nội dung lâm ly không kém, mặc dù ít nghiêm trọng hơn chuyện vừa kể: "Em quyết định rồi phải không? Anh đã nói là anh biết anh sai rồi mà. Sao em cố chấp quá vậy. Em cũng là người đầu tiên anh phải hạ mình xin lỗi đó em. Anh chưa từng và chưa bao giờ năn nỉ ai cả. Còn em đã quyết định rồi thì anh sẽ tôn trọng em. Chủ nhật này anh vẫn muốn có sự góp mặt của em..." (1212 4404xx). Tin nhắn này còn một đoạn dài nữa và rõ ràng đó là những lời thống thiết cho một mối tình rạn nứt.

4. Tình làng nghĩa xóm

Ông bà ta có câu "Bán anh em xa mua láng giềng gần", ngụ ý rằng cho dù là ruột thịt nhưng khi xảy ra chuyện không hay, bất trắc thì người hàng xóm sẽ là vị cứu tinh tốt nhất và nhanh nhất. Xưa đã vậy và bây giờ vẫn thế, câu tục ngữ trên vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Thế nhưng trong năm qua, Đường dây nóng Báo Thanh Niên thường xuyên nhận được những lời ta thán về hàng xóm láng giềng, đủ thứ chuyện: nhậu nhẹt la hét, cờ bạc mất an ninh trật tự, hát karaoke om sòm, ăn ở mất vệ sinh, sản xuất gây ô nhiễm, nuôi chó phóng uế bừa bãi, xây nhà làm rơi vật liệu xuống mái tôn...

Cao trào của chuyện láng giềng "không thèm ngó mặt nhau" mà báo chí đã tốn nhiều giấy mực đề cập đến là trong việc xây nhà. Nó nhiêu khê đến độ có lúc người ta đã nghĩ ra cách phải có chữ ký của 2 nhà sát vách mới được tiến hành xây dựng. Không như hồi xưa, chỉ cần qua nhà nói với nhau một lời là xong, nếu có thiệt hại gì đó trong quá trình thi công thì sẽ nhanh chóng sửa chữa, tình cảm láng giềng vì thế không bao giờ sứt mẻ.

Nhà tôi ở chung cư, lầu 1, mỗi khi sửa chữa nội thất tôi buộc mình phải sang thưa chuyện cùng 2 chủ hộ chung vách và cả chủ hộ tầng trệt, mong họ thông cảm cho những tiếng ồn trong lúc thi công. Sau khi hoàn thành công trình, vợ chồng tôi ghé sang các căn hộ ấy hỏi xem nhà của họ có bị hư hỏng gì không đặng mà khắc phục sự cố do quá trình thi công ở nhà mình gây ra. Tình cảm chòm xóm bền vững là nhờ vậy. Thậm chí khi có công chuyện cần đi gấp, tôi còn nhờ người hàng xóm giữ giùm chìa khóa nhà mình để trao lại cho đứa con mở cửa vào, vì nó không có chìa khóa. Ấy vậy mà một ngày đẹp trời nọ tôi nhận được tin nhắn: "Mẹ nhà ông, từ nay trở đi đừng sang nhà tôi nữa. Sáng sớm đã qua nhà tôi là sao hả? Từ lúc ông qua, nhà tôi bị mất trộm liên tục" (1267 0255xx). Không biết người nhắn tin là nam hay nữ, chỉ biết rằng có gã nào đó đang bị người ta nghi ngờ "chôm" đồ của nhà hàng xóm. Còn tôi, sáng nào cũng ôm cặp táp chạy thẳng đến cơ quan, nếu có ghé là để đổ xăng, chứ không tấp vô nhà nào cả. Xin thề!

Đoàn Xuân Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.