Tan nát quốc lộ qua Lâm Đồng

10/07/2011 00:28 GMT+7

Các tuyến quốc lộ (QL) qua Lâm Đồng đang bị hư hỏng, xuống cấp và quá tải khiến cho giao thông đối ngoại của tỉnh này gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng rất xấu đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thê thảm quốc lộ

Lâm Đồng hiện có 4 tuyến QL đi qua là 20, 27, 28, 55 với tổng chiều dài khoảng 436 km, trong đó QL55 ít hư hỏng, còn lại phần nhiều đều hư hỏng nặng, xuống cấp và quá tải. QL27 nối Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk dài 277 km, trong đó, đoạn qua Lâm Đồng dài 123,5 km đang trong tình trạng thê thảm, nhiều đoạn bị "nát như tương". Cuối năm 2008, đoạn từ TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) đến ngã ba Finom (H.Đức Trọng, Lâm Đồng) được đầu tư nâng cấp với kinh phí khoảng 966 tỉ đồng (do Tổng cục Đường bộ VN làm chủ đầu tư); dự kiến đến tháng 3.2011 sẽ hoàn thành. Đến nay, đoạn đường này vẫn dở dang và ngừng thi công khiến cho việc đi lại rất khó khăn.

 
Nguy hiểm rình rập trên đèo Ngoạn Mục - Ảnh: G.B

Ông Lý Văn Kiệt - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) - bức xúc: "Nhiều vị trí trên QL27 qua địa bàn huyện sình lầy, trơn trượt, hình thành nhiều hố lớn, tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra gây bức xúc trong nhân dân địa phương". Việc thi công đèo  Ngoạn Mục cũng đang dang dở, nhiều đoạn đất đá ngổn ngang, sạt lở gây nguy hiểm. Ông Lâm Văn Hoàng - Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án 2 (đại diện chủ đầu tư - Tổng cục Đường bộ VN) - cho hay: "Do thiếu vốn nên các gói thầu đã ngừng thi công từ nhiều tháng qua và chưa biết đến khi nào mới thi công lại; ngay cả những khối lượng đã thi công xong vẫn chưa được thanh toán, còn nợ các nhà thầu hơn 100 tỉ đồng".

Nhu cầu nhiều, vốn ít

Các tuyến đường gắn Lâm Đồng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các ngành dịch vụ du lịch và công nghiệp của địa phương. Ngành đang xây dựng kế hoạch đột phá đầu tư hạ tầng giao thông giai đoạn 2011-2015 với kinh phí trên 15.265 tỉ đồng (trong đó 4 tuyến QL và 2 đường liên tỉnh hơn 4.281 tỉ đồng), nhưng khó có khả năng đầu tư kịp thời vì nhu cầu đầu tư quá lớn trong khi nguồn vốn có hạn.

Ông Trương Hữu Hiệp - Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng

Không bi đát như QL27, nhưng QL20 - đoạn qua Lâm Đồng dài hơn 191 km là tuyến đường quan trọng nhất nối Lâm Đồng với TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ cũng trong tình trạng quá tải, nhiều đoạn hư hỏng. Hiện nay, từ TP Đà Lạt đến TP.HCM chỉ hơn 300 km nhưng đi bằng ô tô phải mất từ 7-8 tiếng. Theo Sở  GTVT Lâm Đồng, với tình trạng như hiện nay, tuyến QL20 chỉ đáp ứng khoảng 5.000 - 7.000 lượt xe/ngày trong khi thực tế con số này đã lên gấp đôi. Chưa kể, khi Nhà máy alumin Tân Rai (H.Bảo Lâm) vận hành, tuyến đường này cũng là tuyến phục vụ vận chuyển sản phẩm alumin về cảng Gò Dầu (Đồng Nai), thì nguy cơ đường sẽ hư hỏng nặng hơn, quá tải trầm trọng hơn... Trong khi đó, đoạn tránh ngập thủy điện Đồng Nai 3, 4 dài 15 km qua địa phận Lâm Đồng trên QL28 (nối Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông) đang trong quá trình thi công và chưa biết khi nào mới hoàn thành do thiếu vốn (cần khoảng 200 tỉ đồng cho xây lắp).

Đường liên tỉnh nứt, lún, sạt lở nghiêm trọng

Ngoài các QL trên, tuyến đường Lương Sơn - Đại Ninh (nối Bình Thuận - Lâm Đồng) với lưu lượng người và xe cộ qua lại rất nhiều, đang là đường chuyên dùng được xây dựng để phục vụ khai thác thủy điện Đại Ninh (H.Đức Trọng), hiện cũng đang xuống cấp. Đoạn qua địa phận Lâm Đồng dài hơn 16 km bị nứt, lún và sạt lở nghiêm trọng. Theo Sở GTVT Lâm Đồng, để sửa chữa đoạn này phải mất hơn 10 tỉ đồng nhưng đến nay Tập đoàn điện lực VN (EVN) chưa bố trí vốn như đã cam kết. Trong khi đó, tuyến đường ĐT723 nối Lâm Đồng - Khánh Hòa, đoạn qua Lâm Đồng dài 54 km chưa thi công xong. Trên tuyến này, đoạn từ xã Đạ Chais (H.Lạc Dương, Lâm Đồng) đến H.Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) dài 31 km đưa vào sử dụng năm 2009 nhưng đến nay đã sạt lở nghiêm trọng tại 3 vị trí, nếu không sửa chữa kịp thời sẽ có nguy cơ đứt đường. Ông Trịnh Xuân Danh - Phó giám đốc Trung tâm tư vấn quản lý dự án và kiểm định GTVT (Sở GTVT Lâm Đồng) - cho hay, dự kiến sửa chữa những vị trí sạt lở này mất khoảng 52 tỉ đồng, nhưng hiện cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn...

Theo đánh giá của Sở GTVT Lâm Đồng, hệ thống giao thông hiện chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; công tác duy tu, bảo dưỡng không kịp thời nên tình trạng xuống cấp khá phổ biến; vốn đầu tư còn thiếu dẫn đến một số công trình chậm hoàn thành, không phát huy được hiệu quả.  

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.