Theo địa chỉ trong một tờ rơi tìm người phát dầu gội đầu dùng thử với mức lương 190.000 đồng/2 tiếng, tôi đến một “Văn phòng tiếp nhận - phòng phân phối nhân sự” trên đường Kim Ngưu, cách cầu Mai Động 15m. Nhìn số nhà nhưng còn ngờ ngợ không thấy bảng hiệu, một chị dáng thanh mảnh đã mở cửa: “Em vừa gọi điện cho chị đúng không? vào đây đi”.
Văn phòng chỉ hơn 10m2, tiếp tôi là một chị tên Hương, một chị nữa tên Vân yêu cầu tôi trình chứng minh thư, thẻ sinh viên rồi nói: “Văn phòng không yêu cầu em phải đặt cọc thế chấp mà chỉ thu 90.000 đồng tiền hồ sơ”. Viện cớ không mang đủ, tôi được gợi ý: “Cứ đóng trước cho chị một ít để lên danh sách và để lại chứng minh thư, lần sau đóng nốt”. Tôi xin phép sẽ quay lại sau vì mai có việc cần đến chứng minh thư, chị tên Hương nạt nộ: “Chị muốn biết em có thực sự muốn đi làm hay không”, tiếp theo, một người nữa xuất hiện, đập bàn: “Làm thì làm mà không làm thì thôi”.
|
Thoát được ra bến xe buýt, tôi tình cờ gặp Hồng Điệp, sinh viên trường Cao đẳng Truyền hình, cô này cho biết, tháng trước vừa bị lừa 210.000 đồng. Điệp bức xúc: “Họ bắt đóng chín mươi nghìn và bảo muốn có người đưa đi làm luôn thì đóng hai trăm rưỡi. Đóng tiền xong, họ đưa cho một xấp tờ rơi tuyển dụng như chính cái mình đã nhặt được để đi thử việc trong 3 ngày và nhận thù lao 50.000 đồng cho một người mang phiếu quay về. Sau 3 ngày, họ thông báo là chẳng có phiếu nào về. Thế là mất oan hơn hai trăm nghìn với 3 ngày đi phát tờ rơi”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết “văn phòng” nói trên chỉ là một trong đường dây các văn phòng tương tự trên các đường Minh Khai, Trường Chinh nhằm thực hiện hành vi lừa đảo lấy tiền đặt cọc hồ sơ theo kiểu bán hàng đa cấp. Tờ rơi tuyển dụng của các “văn phòng” này y hệt nhau, chỉ khác địa chỉ, tên, số điện thoại người quản lý nhân sự. Tại các đây, không ngớt cuộc gọi của người muốn đi làm, người ra vào cũng tấp nập. Họ đến để nộp hồ sơ mà thực ra là mang tờ rơi đến, nộp tiền và điền thông tin vào một bản cam kết. Đa số là học sinh, sinh viên vì tờ rơi quán triệt độ tuổi từ 18 - 24. Giả vờ ngồi gọi điện thoại cho bạn ở một văn phòng, tôi nghe các “anh chị” buôn chuyện. Một anh tên Tuấn hớn hở: “Hai đứa vừa rồi định đóng cho em ba trăm nghìn nhưng nó xin lại 30.000 để đi xe buýt”. Bù lại, chị tên Vân ấm ức chuyện vừa sáng ra thì các nạn nhân đã đến... đòi tiền: “Thế là được rồi, ép quá thì lại như con bé hôm gì đến ăn vạ thì chết”. Một chị tên Mai thì thầm: “Chúng nó phá thế thì mất hết khách à? Phải cử một thằng đứng canh ngoài kia, đừng để chúng nó gặp nhau thì loạn”.
Sau hôm đó, có thêm “cảnh vệ” đứng ở lối vào văn phòng. Song chắc vì quá bức xúc, một nạn nhân nào đó đã dán một tờ rơi cảnh báo: “6...1 Kim Ngưu là văn phòng lừa đảo” tại bến xe buýt gần cầu Mai Động. Tuy nhiên, ngày ngày hôm sau, cảnh báo này đã bị xé. Loanh quanh ở khu vực này sau đó, chúng tôi được những người cắt tóc cho biết hoạt động lừa đảo của các văn phòng này: “Hôm qua có mấy đứa đến đòi tiền còn đánh nhau loạn cả lên. Bọn con gái còn bị đánh cho chảy máu mồm, máu mũi”.
Theo khảo sát của chúng tôi, những chiêu lừa đội lốt tuyển người làm việc ngắn hạn ngày càng tinh vi và phổ biến. Đặc biệt, vào thời điểm các tân sinh viên mới nhập học là dịp các tờ rơi như nói trên lại được dán, phát tràn lan khiến nhiều bạn trẻ sa bẫy. Cùng với việc các cơ quan chức năng phải kiểm tra, kiểm soát các hoạt động dạng này, thiết nghĩ các trường cũng nên tham gia tuyên truyền để tân sinh viên ngoại tỉnh về Hà Nội thận trọng để không trở thành nạn nhân của những “văn phòng” lừa đảo như đã kể trên.
Hương Huyền - Trang Trần
Bình luận (0)