Cầm tất cả những gì có thể để mong… gỡ kèo
Trong những ngày diễn ra vòng chung kết EURO 2024, chúng tôi tìm đến các tiệm cầm đồ ở P.Linh Xuân, TP.Thủ Đức (TP.HCM); tại đây, chúng tôi chứng kiến không khí tấp nập, người vào kẻ ra, cứ khoảng 5 phút lại có một người vào để hỏi về các mặt hàng có thể cầm. Có người cầm giấy tờ tùy thân, người thì điện thoại, laptop, thậm chí có người đến bước đường cùng nên cầm luôn cả sổ đỏ của mẹ với lý do… gỡ kèo.
Khi được hỏi về tình hình khách hàng đến cầm đồ những ngày này, một chủ cửa hàng ở khu vực cho hay: "Mấy ngày diễn ra EURO tiệm đông lắm. Người ta đến đây để cầm tất cả những gì có thể cầm được. Từ xe máy, điện thoại, laptop cho đến giấy tờ tùy thân, thậm chí là cả sổ đỏ của mẹ. Người ta cầm với tâm thế là có tiền để gỡ vốn, nên cầm được cái gì là đều bất chấp. Nhưng tiệm chúng tôi chỉ cầm những loại đồ dùng chính chủ, có giấy tờ xác thực rõ ràng. Riêng với sổ đỏ, thì phải đúng là sổ đỏ của người đó. Ai đứng tên thì người đó đến cầm".
Một chủ tiệm cầm đồ khác trên QL1K, KP.Tân Hòa, TP.Dĩ An (Bình Dương), cho biết: "Đôi lúc cũng có những trường hợp nửa đêm còn gọi để hỏi cầm đồ, nhưng quy tắc của tiệm là chỉ làm việc đúng giờ. Khoảng 21 giờ là tiệm sẽ đóng cửa và không nhận các cuộc gọi xin cầm đồ nữa".
Chúng tôi tiếp tục tìm đến một cửa hiệu cầm đồ khác gần đó để ghi nhận tình hình, chủ tiệm cho hay: "Mỗi mùa bóng đá là tiệm cầm đồ rất đông, chủ yếu đến đây cầm xe, điện thoại và các vật phẩm có giá trị. Ngày cao điểm, tại đây nhận cầm hơn 100 chiếc xe gắn máy". Chủ tiệm này cũng cho biết tiệm không nhận cầm xe không có giấy tờ, có thể nhận cầm xe mua trả góp nhưng phải có giấy tờ sao y công chứng.
Tài sản lăn theo trái bóng
Khi lướt các trang mạng xã hội những ngày diễn ra EURO, không khó để thấy các bài đăng mua bán xe máy, điện thoại, hay laptop giá rẻ, nhưng đa phần khi được hỏi địa chỉ thì đều chỉ dẫn đến các tiệm cầm đồ.
Trần Ngọc Sơn, sinh viên Trường CĐ Công thương (TP.HCM), cho biết: "Mình hay lên các trang mạng xã hội tìm mua sản phẩm công nghệ giá rẻ phục vụ cho việc học, nhưng những ngày này, cứ hỏi thì chủ bài đăng đó lại đưa địa chỉ cho mình là một tiệm cầm đồ. Mình cũng khá ngại phải mua lại mặt hàng ở đây, do một phần là sợ giấy tờ không rõ ràng. Nếu có vấn đề gì, thì rất phiền phức".
Theo lời kể của Sơn, chúng tôi cũng lên mạng tìm kiếm các mặt hàng, rồi được hẹn đến các tiệm cầm đồ để mua. Tại các tiệm cầm đồ, khi hỏi mua laptop, chúng tôi nhận được rất nhiều lựa chọn khác nhau với giá cả phải chăng, nếu không muốn nói là "rẻ như cho". Có những chiếc laptop giá chỉ từ 1,9 triệu đồng. Nhưng khi hỏi về nguồn gốc, các chủ tiệm này lại không xuất trình được giấy tờ, mà chỉ bảo là do có nhiều khách đến cầm nhưng để lâu quá không đóng lãi, cũng không đến chuộc về nên tiệm thanh lý bớt.
Dường như, nhiều người đến các tiệm cầm đồ vì lỡ thua kèo và mong có tiền để gỡ. Nhưng rồi, "kèo" không gỡ được và tài sản cứ thế lăn theo trái bóng.
Trao đổi với người viết về việc mua bán những vật phẩm không rõ nguồn gốc, thạc sĩ, luật sư Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Công ty luật TNHH A+, cho biết tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Theo quy định của pháp luật hiện hành (điều 323 bộ luật Hình sự năm 2015), người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Để tránh mua phải những mặt hàng không rõ nguồn gốc, hay tránh vi phạm pháp luật, luật sư Duy Anh khuyên người mua nên chọn những cửa hàng hoặc trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…); tìm hiểu kỹ về những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận… Người mua hàng tìm hiểu kỹ về sản phẩm trước khi quyết định mua.
Bình luận (0)