Tân Tây du ký (TDK) (đạo diễn Trình Lực Đống, đang phát trên HTV2 vào các tối thứ sáu, bảy, chủ nhật) hẳn cũng không ngoại lệ.
Được đầu tư lên đến 50 triệu nhân dân tệ (khoảng 150 tỉ đồng), nên so với TDK (thực hiện vào thập niên 1980), tất nhiên tân TDK mãn nhãn người xem hơn, từ ngoại cảnh phong phú, đồ sộ với suối sông, núi non hùng vĩ, được thể hiện bằng nhiều góc quay sống động cho đến hiệu ứng của công nghệ làm phim hiện đại giúp Tề Thiên thỏa sức tung hoành với 72 phép thần thông.
Ngày trước, TDK đã khiến khán giả ngây ngất với tiên cảnh, thiên đình bao nhiêu (dù bấy giờ kỹ thuật còn hạn chế) thì xem tân TDK, sự tráng lệ của cảnh thiết triều ở thiên cung càng làm người xem ngất ngây bội phần. TDK của đạo diễn Trình Lực Đống cũng dành nhiều “đất” hơn cho những màn giao chiến giữa Tôn Ngộ Không và các thiên binh thiên tướng. Và nếu ở TDK, sự xuất hiện ít ỏi của Na Tra cũng như cảnh Na Tra đọ sức tranh tài cùng Hầu Vương chỉ trong nháy mắt làm người xem chưa thấy đã với một Na Tra từng đại náo long cung; thì trong tân TDK, những màn giao chiến này thật sự toát lên được hình ảnh của hai nhân vật tài ba xuất chúng.
Nói đến các nhân vật, sự thay đổi trong tính cách chính là điều gây tranh cãi không ít với công chúng (ngay khi thông tin về phim được giới thiệu). Trong tân TDK, Tôn Ngộ Không đã được làm mới. Đầu tiên là xuất thân của Thạch Hầu, tân TDK đã cải biên quá trình thai nghén của chú khỉ; nói như đạo diễn Trình Lực Đống khi phát biểu trên báo chí Trung Quốc, là đổi mới nhằm nhấn mạnh việc hấp thu tinh hoa trời đất của bào thai đá, giải thích đầy đủ quá trình mang thai được miêu tả trong nguyên tác văn học. Và nữa, Tôn Ngộ Không sau khi đắc đạo trở về Hoa Quả Sơn thì kết nghĩa huynh đệ với yêu quái tứ phương, tân TDK xoáy sâu vào tình huynh đệ giữa Ngộ Không và Ngưu Ma Vương, cho Đại thánh kết bạn với Na Tra, hay sau này khi Bạch Cốt tinh xuất hiện thì... không hung ác như ở TDK, mà mang trái tim rất người, dám hy sinh thân mình vì tình yêu...
Sự thêm thắt, với người xem, có thể cho thấy rõ hơn tính người, tình người của Thạch Hầu (như mong muốn của đạo diễn khi xây dựng lại nhân vật này), nhưng đôi chỗ lại tạo cảm giác lê thê (như lúc Thạch Hầu còn bé và được vợ chồng Hầu Vương nhận nuôi, rồi họ bị tai nạn, Thạch Hầu tìm cách cứu nguy…; sự xuất hiện các nhân vật: Phiên Phiên, Thanh Linh tới thời điểm này cũng chẳng thấy hấp dẫn gì). Bên cạnh đó, việc lồng quá nhiều lời thoại đời thường cho Tôn Ngộ Không cũng như những nhân vật khác khiến câu chuyện đôi khi dông dài, mất tự nhiên, chẳng hạn đoạn Na Tra khuyên nhủ Hầu Vương, nói về luật nhân quả; hay những lời thoại mang tính triết lý của Hầu Vương, như: “Chẳng phải ai cũng nói chúng sinh bình đẳng hay sao”, “Lão Tôn ta tạo phản chỉ vì muốn giúp anh hùng thiên hạ giành lấy tự do và bình đẳng”…
Cuối cùng, điều không thể không nhắc đến là tạo hình các nhân vật. Đến nay, có thể nói hình ảnh 4 thầy trò Đường Tăng bản cũ đã quá rõ nét, quá ấn tượng với khán giả, nên dù hình ảnh, diễn xuất các diễn viên trong tân TDK (Phí Dương - Tôn Ngộ Không, Trần Tư Hàn - Đường Tăng, Tạ Ninh - Trư Bát Giới, Mưu Phụng Bân - Sa Tăng) có lạ mắt, có hay đến mấy và cho thấy họ đã cố gắng như thế nào để vượt qua những hình bóng cũ, người xem hẳn vẫn khó hài lòng. Hơn nữa, xem Tề Thiên trong tân TDK, dù phần “người” nhiều hơn phần “con”, thì chất “khỉ” tối thiểu trong Thạch Hầu vẫn chưa đủ thuyết phục, gương mặt lại thiếu vẻ tinh anh lẫn đáng yêu như Ngộ Không của TDK bản cũ. Đường Tăng trông hơi... dữ, chứ không thanh thoát và không thấy nét thoát tục từ nhân vật này…
Tân TDK chỉ mới phát sóng được 1/5, Tề Thiên mới được giải cứu ở Hoa Quả Sơn… Dù khi thưởng thức “rượu cũ”, sự háo hức đã mất đi, và dù ký ức đẹp về TDK đã lấn át cảm xúc của người xem, nhưng cứ thử phóng khoáng với tâm trí mình để nhìn “chiếc bình mới”, dõi theo hành trình thỉnh kinh lẫn những mới lạ từ tân TDK, để xem những nỗ lực của đạo diễn Trình Lực Đống sẽ được đón nhận thế nào.
Ý kiến khán giả * Dù có nhiều thay đổi về tạo hình nhân vật, cốt truyện, kỹ xảo, nhưng với tôi TDK 1986 sẽ mãi là một tác phẩm kinh điển, nó gắn liền với tuổi thơ… nên dù có bất kỳ phiên bản mới nào cũng không thể thay thế được. Phúc (diễn đàn của Vnexpress) * Đồng ý là càng về sau, kỹ xảo phim càng tiến bộ. Nhưng các nhà làm phim quá lợi dụng kỹ xảo khiến bộ phim không còn toát lên được cái hồn của nó nữa. Tạo hình nhân vật không thấy giống với nguyên tác tí nào… Thammy Hồ * Nội dung và nhân vật Tôn Ngộ Không đúng là không bằng bản gốc nhưng mình vẫn yêu kỹ xảo của phim này. Samaka (diễn đàn www.vn-zoom.com) |
Nguyên Vân
Bình luận (0)