Tằn tiện vẫn không đủ tích lũy

Thu Hằng
Thu Hằng
13/07/2018 07:00 GMT+7

Mặc dù người lao động có mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/tháng nhưng chỉ 17,4% có tích lũy, 26,5% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ và 12,5% thu nhập không đủ sống, số còn lại chỉ đủ trang trải cho cuộc sống.

Đây là bức tranh khảo sát về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu, đời sống người lao động (NLĐ) trong các doanh nghiệp (DN) năm 2018 được Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN công bố chiều 12.7.
Theo PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐ VN), khảo sát được thực hiện tại 25 tỉnh, TP, ngành T.Ư với 3.008 phiếu hỏi đối với NLĐ tại 150 DN. “Năm nay, số lượng DN được khảo sát tăng gấp 3 lần so với năm trước. Các DN được khảo sát cũng được mở rộng hơn tới các loại hình DN và vùng lương có ở tất cả các vùng miền, nhất là những DN có đông lao động công nghiệp, dịch vụ. Trung bình mỗi DN 20 lao động, đảm bảo cơ cấu về giới tính, độ tuổi, vị trí công việc”, ông Thọ cho biết.
Thu nhập trung bình 5,5 triệu đồng/tháng
Một công nhân làm việc quần quật, cả làm thêm, chỉ được hơn 200 USD/tháng. Với mức giá, chi phí như nhà ở, xăng dầu, chưa kể ăn uống... 200 USD chúng ta chi tiêu hết rồi, còn đâu mà tích lũy?
PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn
Theo khảo sát, tiền lương hằng tháng của NLĐ (làm đủ giờ công, ngày công) nhận được trung bình là 4,67 triệu đồng, tăng 4,24% so với kết quả khảo sát năm 2017. Lương cơ bản trung bình theo khảo sát năm 2018 cao hơn lương tối thiểu 39,8%. Tổng hợp theo loại hình DN, vùng lương và ngành nghề thì tiền lương cơ bản trung bình của NLĐ sản xuất trực tiếp ở mức 4,23 triệu đồng/tháng (vùng 1 là 4,76 triệu đồng; vùng 2 là 4,57 triệu đồng; vùng 3 là 4,14 triệu đồng; vùng 4 là 3,32 triệu đồng); lao động gián tiếp, văn phòng: 6,52 triệu đồng/tháng; cán bộ quản lý người VN: 9,5 triệu đồng; lao động và quản lý người nước ngoài: 30,3 triệu đồng/tháng (gấp 7,5 lần NLĐ sản xuất trực tiếp).
Dù hầu hết NLĐ được tăng lương, nhưng theo ông Thọ, vẫn còn một bộ phận NLĐ nhận mức lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, cụ thể: vùng 1 là 2,35%; vùng 2 là 10,87%; vùng 3 là 3,34% và vùng 4 là 4,45%.
Về thu nhập, ngoài tiền lương cơ bản, NLĐ còn được nhận tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác, nhưng các khoản này thường không tính vào mức đóng bảo hiểm (trừ phụ cấp trách nhiệm, chức vụ). Cụ thể, có 44% NLĐ được hỏi cho biết có làm thêm giờ, số giờ làm thêm trung bình là 28,5 giờ (cao nhất là 50 giờ), với số tiền nhận được trung bình 832.000 đồng/người/tháng.
Có 13,2% NLĐ có tiền phụ cấp độc hại, trung bình mỗi người đạt 211.000 đồng/tháng. Một số DN bồi dưỡng bằng hiện vật, tại chỗ (chiếm 16,7%), thông thường là sữa đặc có đường, sữa tươi, bánh; 14,6% NLĐ được hỏi đã trả lời có tiền hỗ trợ nhà ở, với mức trung bình 262.000 đồng/người/tháng (chủ yếu là lao động phải thuê nhà trọ và những người nhập cư tại các khu đô thị, khu công nghiệp tập trung).
Tổng thu nhập trung bình của NLĐ (không kể tiền ăn ca) đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng (cao hơn lương cơ bản 18,4%), tăng hơn 1,4% so với kết quả khảo sát năm 2017. Tiền lương cơ bản chiếm 84,4% tổng thu nhập của NLĐ. Trong đó, tại DN FDI, tỷ lệ này chiếm 77,3%; giày da chiếm 80,5%; cơ khí, chế tạo kim loại là 75,5%; điện, điện tử chiếm 78,6% và dệt may chiếm 81,4%.
Mức chênh lệch giữa tiền lương thấp hơn thu nhập tại các DN chế biến nông lâm thủy sản, giao thông - xây dựng, dịch vụ thương mại chỉ khoảng 8 - 9%; DN nhà nước chỉ khoảng 6%, thấp hơn so với chênh lệch ở các DN dân doanh (15,6%). Nhưng đó là khoản thu nhập đáng kể để cải thiện đời sống NLĐ.
Tỷ lệ NLĐ phải chi tiêu “tằn tiện, kham khổ” tăng
Khảo sát của Tổng LĐLĐ VN cũng cho thấy có 2.885 NLĐ đang sống chung hộ gia đình với người thân, với số lượng, cơ cấu là 3,7 nhân khẩu/hộ, trong đó có 2,05 người phụ thuộc (con nhỏ) và 1,65 lao động hưởng lương. Mức chi tiêu trung bình của 1 hộ gia đình khoảng 7,38 triệu đồng/tháng. Với các hộ gia đình các vùng lương có số nhân khẩu tương ứng ở trên thì mức chi tiêu thấp nhất (tối thiểu) là 6,57 triệu đồng; vùng 1 là 7,3 triệu đồng; vùng 2 là 6,76 triệu đồng; vùng 3 là 5,8 triệu đồng; vùng 4 là 5,75 triệu đồng.
Ông Thọ cho hay: “Qua khảo sát, với thu nhập và chi tiêu hiện nay không có biến động về việc làm, thu nhập và đời sống thì có 32,1% NLĐ cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm, trung bình 1,5 triệu đồng/tháng. Đây là khoản tiền mà NLĐ dành dụm để chi tiêu dịp lễ tết, lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp và tích lũy đầu tư cho việc học hành của con cái. So sánh thu nhập với chi tiêu của NLĐ và gia đình, thì 17,4% NLĐ cho biết có dư dật và tích lũy; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống”.
So sánh với năm 2017, tỷ lệ NLĐ “có dư dật, tích lũy” tăng 1,3%; số NLĐ gặp khó khăn “không đủ sống, phải làm thêm giờ” chỉ tăng 0,5%, nhưng tỷ lệ NLĐ “vừa đủ trang trải cho cuộc sống” giảm 7,6%; tỷ lệ NLĐ phải chi tiêu “tằn tiện, kham khổ” tăng lên 5,8%. “Tiền lương tối thiểu nói riêng và tiền lương của VN nói chung là thấp. Một công nhân làm việc quần quật, cả làm thêm, chỉ được hơn 200 USD/tháng. Với mức giá, chi phí như nhà ở, xăng dầu, chưa kể ăn uống... 200 USD chúng ta chi tiêu hết rồi, còn đâu mà tích lũy?”, ông Thọ nói.
Báo cáo khảo sát thực tế được thực hiện tại 25 tỉnh, TP, ngành T.Ư, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Công đoàn ngành xây dựng, Công đoàn Tổng công ty đường sắt VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.