Sáng 21.6, Bamboo Airways tiến hành Đại hội cổ đông thường niên năm 2023. Đây được xem là bước ngoặt của hãng hàng không này sang giai đoạn mới khi thay toàn bộ HĐQT cũ, bổ sung bộ máy HĐQT và ban giám đốc mới với đa số những người am hiểu và có thâm niên trong ngành hàng không.
Theo tân Tổng giám đốc Bamboo Airways, đại hội lần này sẽ đưa ra định hướng hoạt động của hãng trong 5 năm tới. Về lợi thế kinh doanh, Bamboo Airways có nhiều điểm sáng như tỷ lệ an toàn tuyệt đối (vận chuyển hơn 50.000 chuyến bay với 7 triệu khách), duy trì tỷ lệ đúng giờ dẫn đầu, được khách hàng tin tưởng...
Xử lý khoản lỗ gộp hơn 17.600 tỉ đồng ra sao?
Báo cáo của Bamboo Airways cho biết, doanh thu thuần năm 2022 đạt 11.732 tỉ đồng, tăng 230% so với doanh thu thuần 3.557 tỉ đồng của năm 2021. Năm 2021, hãng lỗ 4.060 tỉ đồng; năm 2022 lỗ 3.209 tỉ đồng, tuy nhiên tỷ lệ lỗ trên tổng doanh thu đã giảm mạnh từ mức - 114% xuống - 27%.
Theo Tổng giám đốc Bamboo Airways, hãng đã có nhiều động thái quyết liệt để giảm lỗ như trích lập dự phòng, kiểm soát chi phí, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi, hướng đến điểm hòa vốn để tạo đà cho kế hoạch lợi nhuận trong năm tiếp theo.
Lỗ gộp tính đến hết 2022 của hãng là 17.619 tỉ đồng. Tuy nhiên, Bamboo Airways đã đồng thời vừa thực hiện việc trích lập khoản lỗ dự phòng và lỗ lũy kế, vừa phát hành tăng vốn cổ phần thông qua việc hoán đổi nợ thành cổ phần và tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Nhờ đó, giá trị vốn điều lệ tại thời điểm tháng 5 đạt 26.220 tỉ đồng, giảm tỷ lệ nợ vay, đưa hệ số nợ tài chính/vốn chủ giảm về mức 0,7 lần.
Với khoản lỗ gộp hơn 17.600 tỉ đồng tính đến năm 2022, có 3.200 tỉ đồng là lỗ từ hoạt động kinh doanh hàng không, còn lại hơn 13.000 tỉ đồng từ trích lập dự phòng trước thời điểm nhà đầu tư mới vào tái cơ cấu Bamboo Airways. Việc trích lập này là chủ trương và biện pháp quyết liệt để minh bạch hoạt động tài chính của hãng.
Câu hỏi đặt ra là với khoản lỗ này Bamboo Airways có tiếp tục duy trì hoạt động được không? Theo đại diện Bamboo Airways, trước tháng 5, hãng đã chuyển nợ sang cổ phần hơn 7.000 tỉ đồng, hiện vốn của Bamboo Airways vẫn dương hơn 5.000 tỉ đồng, hoạt động bình thường cũng như đảm bảo quyền lợi cổ đông.
Dự kiến năm 2023, Bamboo Airways vẫn sẽ lỗ, tuy nhiên mức lỗ kỳ vọng sẽ giảm tương đối so với năm 2022. Hãng sẽ tập trung tìm kiếm các giải pháp để hướng tới mục tiêu hòa vốn và kinh doanh có lãi, như cấu trúc lại mạng đường bay, tập trung nguồn lực vào các đường bay tiềm năng, có khả năng củng cố hiệu quả; đồng thời, đẩy mạnh việc thành lập các công ty con nhằm cung ứng dịch vụ tốt hơn và cạnh tranh hơn trong giai đoạn tới.
Ông Nguyễn Minh Hải cũng chia sẻ, có nhiều dấu hiệu tích cực trong 5 tháng đầu năm, trong đó tháng 1 đạt điểm hòa vốn từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Dự kiến, thị trường nội địa 2023 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, song người dân cũng đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu do kinh tế khó khăn.
“Mục tiêu đặt ra là hòa vốn và có lãi vào cuối năm 2024, song đây không chỉ là kỳ vọng mà là pháp lệnh với ban lãnh đạo mới”, ông Hải nhấn mạnh.
Cựu lãnh đạo Japan Airlines sẽ đóng vai trò gì?
Đáng chú ý, trong HĐQT và ban lãnh đạo mới của Bamboo Airways trong nhiệm kỳ tới có thêm tên tuổi lớn từ hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines. Hãng này đã mời ông Masaru Onishi và ông Hideki Oshima là các cựu lãnh đạo của Japan Airlines có nhiều kinh nghiệm trong việc điều hành, phát triển mảng quan hệ quốc tế và tham gia các liên minh hàng không lớn.
Đặc biệt, đây là những nhân sự đã tham gia trong công cuộc tái cấu trúc thành công Japan Airlines, từ một hãng hàng không bên bờ vực phá sản lỗ hơn 12 tỉ USD trở nên có lãi.
Lãnh đạo Bamboo Airways cũng kỳ vọng sự tham gia của các nhân tố mới này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả và tính kỷ luật trong công tác quản trị, mở rộng mạng lưới thị trường quốc tế và các liên minh hàng không tại Bamboo Airways.
Bamboo Airways cũng đặt mục tiêu phát triển các hoạt động phụ trợ để tối ưu hóa chi phí như thành lập các công ty con như công ty vận chuyển hàng hóa hàng không, công ty dịch vụ mặt đất, công ty kỹ thuật hàng không, công ty cung ứng suất ăn hàng không đã được triển khai ngay từ khi có sự tham gia và hỗ trợ nguồn lực của nhà đầu tư mới.
Đáng chú ý, hãng cũng lên kế hoạch các đơn vị sẽ có lãi từ năm đầu tiên đi vào hoạt động. Trên thực tế, Công ty vận tải hàng hóa của Bamboo Airways đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2023 và đã có lãi.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 21.6
Bình luận (0)