Tân Tổng thống Donald Trump có ý nghĩa ra sao với thương mại thế giới?

10/11/2016 09:00 GMT+7

Thương mại thế giới đã bị trì hoãn từ trước khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Giờ đây, một trong những động cơ chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể đảo ngược.

Theo CNN, ông Trump đã hứa quay lưng với các thỏa thuận thương mại lớn và áp thuế cao vào hàng hóa đến từ Trung Quốc, Mexico - hai trong số các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.
“Nền kinh tế toàn cầu, thương mại quốc tế và thị trường tài chính phải đối mặt với một thế giới mới thiếu chắc chắn với việc lãnh đạo mới của Mỹ có thể đưa đất nước vào con đường cô lập mới”, giám đốc đầu tư Lim Say Boon của ngân hàng DBS Bank ở Singapore cho biết.
Thương mại toàn cầu đang mắc kẹt trong tình trạng bất ổn sâu sắc, thậm chí có thể “ngừng đập”, giới nghiên cứu thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Thế giới (OECD) cho biết. Ông Trump, người từng nói rằng chiến thắng của ông sẽ là “Brexit plus plus plus”, có thể khiến mọi việc trở nên tệ hơn ở một số vùng.
Canada và Mexico
Ông Trump nhiều lần chỉ trích Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) - thỏa thuận tự do giữa Canada, Mexico và Mỹ - cho rằng NAFTA phá hủy nước Mỹ. Tỉ phú này nói thêm ông sẽ đàm phán lại hoàn toàn hoặc “chấm dứt” hiệp định.
Theo giới chuyên gia, quay lưng với NAFTA sẽ cực kỳ rối cho cả ba nước và không rõ liệu Mỹ sẽ đạt được gì từ hành động đó. Nhà kinh tế Paul Ashworth thuộc Capital Economics nói: “Thật khó để biết điều ông ấy mong đạt được”.
Thái Bình Dương và châu Âu
Hai thỏa thuận thương mại quốc tế lớn khác dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp nguy cơ lớn hơn. Ông Trump không giấu sự chẳng bằng lòng của mình với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP).
TTP, thỏa thuận giữa Mỹ và 11 nước khác nằm rải rác quanh khu vực Thái Bình Dương, vẫn chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Lãnh đạo Thượng viện Mitch McConnell cho hay TPP có “sai lầm nghiêm trọng” và “sẽ không đi vào hoạt động trong năm nay”. Thỏa thuận này dường như ít có cơ hội hồi sinh khi ông Trump từng dùng nhiều lời bình luận không hay về nó.
Giới chức cho hay các cuộc đàm phán về TTIP thì vẫn đang được tiến hành giữa Mỹ và 28 quốc gia thành viên EU. Song mới đây, một quan chức Đức cho biết cuộc đàm phán “thực tế đã chết” còn nước Pháp thì kêu gọi dừng thảo luận. Giới chuyên gia nhận định có ít khả năng ông Trump theo đuổi thỏa thuận này.
“Chiến thắng của ông Trump có thể làm trầm trọng thêm những gì mà đến nay là xu hướng khá hạn chế nghiêng về chủ nghĩa bảo hộ nhiều hơn trong thế giới phương Tây. Kết quả sẽ là tiềm năng tăng trưởng chậm hơn”, Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Đức Berenberg nói.
Trung Quốc
Đây là chủ đề được ông Trump nhắc đến nhiều lần. “Chúng ta không thể tiếp tục cho phép Trung Quốc hãm hiếp nước ta, và đó là những gì họ đang làm”, tỉ phú bất động sản nói hồi tháng 7, nhắc đến thực tế rằng Trung Quốc xuất khẩu đến Mỹ nhiều hơn so với hướng ngược lại.
Ông Trump nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh thao túng nội tệ để hàng xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn. Ông còn nói rằng muốn áp thuế 45% lên hàng hóa Trung Quốc, động thái mà giới chuyên gia cảnh báo có thể châm ngòi cho cuộc chiến tranh thương mại.
“Thuế quan có thể là lựa chọn phía dưới, không phải lựa chọn hàng đầu”, ông Ashworth nhận định. Ông Trump trước hết có thể nộp một loạt đơn khiếu nại Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nếu tân Tổng thống Mỹ áp thuế cao vào hàng hóa từ Đại lục, nguồn nhập khẩu lớn nhất của Mỹ, tác động sẽ là đáng kể.
“Tôi không nghĩ cách nào ông ấy có thể tìm được sự thay thế. Lựa chọn thay thế sẽ đắt hơn, sau đó lạm phát sẽ cao hơn”, nhà kinh tế trưởng Jianguang Shen tại Mizuho Securities Asia nói. Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng ông Trump có thể hoãn thực hiện một số lời nói mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.