Tư lệnh mới của Lực lượng vũ trang Indonesia (TNI), đô đốc Yudo Margono, đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 19.12, trở thành chỉ huy TNI đầu tiên xuất thân từ hải quân trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Joko Widodo, bắt đầu vào ngày 24.10.2014, theo báo Nikkei Asia. Trước ông Margono, ba tướng lục quân và một nguyên soái không quân đã lãnh đạo TNI kể từ khi ông Widodo nhậm chức.
“Nhiệm vụ lớn nhất của tôi”
Đô đốc Margono ngày 20.12 cho hay ông đã lên kế hoạch làm cho cuộc tập trận thường niên mang tên Siêu lá chắn Garuda “toàn diện hơn và rộng hơn”. Trước đây được gọi là Lá chắn Garuda, cuộc tập trận thường niên này chỉ có sự tham gia của quân đội Indonesia và Mỹ. Tuy nhiên, vào tháng 8.2022, dưới thời tướng Andika Perkasa, người tiền nhiệm của đô đốc Margono, Lá chắn Garuda đã trở thành cuộc tập trận có quy mô lớn nhất từ trước đến nay nên đã được đặt tên mới. Tổng cộng có 13 quốc gia tham gia cuộc tập trận Siêu lá chắn Garuda, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.
"[Cuộc tập trận Siêu lá chắn Garuda] mới nhất đã tốt và chúng tôi sẽ nâng cao cuộc tập trận này”, ông Margono cho biết trong buổi lễ bàn giao công việc tại tổng hành dinh TNI ở phía đông Jakarta ngày 20.12. "Vì vậy, tôi tất nhiên sẽ tiếp tục [chương trình bằng cách] hợp tác với các quốc gia khác”, đô đốc Margono phát biểu.
Tướng Andika Perkasa (trái) và đô đốc Yudo Margono tại lễ bàn giao công việc ngày 20.12.2022 |
Chụp màn hình NikkEI ASIA |
Đô đốc Margono tránh đề cập Trung Quốc, nhưng trước đó một ngày, sau khi tuyên thệ tại dinh tổng thống ở Jakarta, ông cho hay sẽ tổ chức một “chiến dịch đặc biệt để bảo đảm biên giới... ở biển Bắc Natuna”.
Vùng biển phía bắc quần đảo Natuna xa xôi của Indonesia là một phần trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này, chồng lấn với “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông. Bắc Kinh đã phản đối việc Jakarta đặt tên cho biển Bắc Natuna vào năm 2017, và các tàu cá cùng tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên đi vào vùng biển này trong những năm gần đây, làm gia tăng căng thẳng với Indonesia, theo Nikkei Asia.
Tàu hải quân Indonesia KRI Teluk Banten-516 trong một cuộc tuần tra vào ngày 13.11.2022 |
Chụp màn hình Nikkei ASIA |
Đô đốc Margono cho biết ông đã lên kế hoạch cho nhiều hoạt động chung với sự tham gia của hải quân, không quân và lục quân xung quanh quần đảo Natuna ở phía nam Biển Đông. Tân tư lệnh TNI cho biết thêm ông sẽ sớm đến thăm khu vực này vì đây là một trong những “khu vực chiến lược dễ gặp nguy cơ” của Indonesia.
“Tổng thống đã nói với tôi rằng nhiệm vụ lớn nhất của tôi là bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tôi sẽ tiếp tục các chương trình và sự phát triển mà tướng Andika Perkasa đã đảm nhận, và sẽ biến những chương trình đó thành một phần của riêng tôi”.
Trả lời phỏng vấn với Nikkei Asia vào tháng 11.2022, tướng Perkasa cho hay ông muốn TNI tham gia nhiều cuộc tập trận chung lớn hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông nhấn mạnh những cuộc tập trận như thế rất quan trọng cho việc cải thiện “tinh thần đồng đội” với “bạn bè và láng giềng” nhằm bù đắp ngân sách quốc phòng hạn chế của Indonesia, vốn chỉ chiếm 0,9% GDP của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
“Không thể làm gì nhiều”
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc đô đốc Margono được thăng chức từ vị trí tham mưu trưởng hải quân trước đây khó có thể giúp tăng cường năng lực phòng thủ hàng hải của Indonesia trong thời gian ngắn. Theo luật Indonesia, đô đốc Margono sẽ phục vụ trong vòng chưa đầy một năm vì ông sẽ bước sang tuổi 58 vào tháng 11.2023 và buộc phải nghỉ hưu, không khác nhiều so với ông Perkasa.
Nhà nghiên cứu Adhi Priamarizki thuộc Chương trình Indonesia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) nhận định: “Một cuộc thay đổi quan trọng [của hải quân] đòi hỏi phải lập kế hoạch cẩn thận và kỹ lưỡng, việc này vốn sẽ khó khăn do hạn chế về thời gian. Nhiệm kỳ ngắn ngủi của đô đốc Yudo có thể ảnh hưởng đến quyết định của ông ấy trong việc tiến hành các cuộc tập trận. Do đó, chúng ta có thể không thấy một cuộc thay đổi hoàn toàn so với mô hình hiện nay”.
Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông |
Ngoài ra, ông Khairul Fahmi, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược và An ninh tại Jakarta, cho rằng những nỗ lực hiện đại hóa trang thiết bị quân sự và vũ khí nhằm đạt được lực lượng thiết yếu tối thiểu trong hải quân và không quân “còn khá xa” so với những nỗ lực hiện đại hóa của lục quân hùng mạnh nước này. Ông Fahmi còn nhận định đô đốc Margono, với tư cách là người đứng đầu TNI, sẽ không thể làm gì nhiều để đạt được sự thay đổi như thế, vì việc mua sắm nằm trong thẩm quyền của Bộ Quốc phòng. "Tuy nhiên... Yudo chắc chắn sẽ đưa ra các đề xuất và ý kiến đóng góp [cho Bộ Quốc phòng Indonesia] về các loại thiết bị quân sự và vũ khí cần thiết để tạo ra tác dụng răn đe mạnh mẽ", ông Fahmi nhận định.
Bình luận (0)