Tản văn được mùa

07/02/2006 23:42 GMT+7

Khá nhiều các tập tạp bút vừa được xuất bản. Người trẻ đọc, kêu lên - Trời, những ông già "nhiều chuyện", những chuyện đôi khi bé như kiến thế kia... Nhưng đọc xong lại bồi hồi.

1. Nguyễn Nhật Ánh - tạp bút. Hơi lạ! Đã quen với một Nguyễn Nhật Ánh hồn nhiên trẻ thơ với những tác phẩm văn học thiếu nhi nên tưởng chừng anh chỉ bận bịu săm soi những ống kính vạn hoa, hòn bi, quả thị, đi bên ngoài những câu chuyện "vĩ mô", những vấn đề thời sự xã hội của thế giới người lớn. Tạp văn Người Quảng đi ăn mì Quảng vẫn mang vẫn đậm đặc chất humour đặc trưng của Nguyễn Nhật Ánh, nhưng ở đây người đọc bất ngờ bắt gặp con người xã hội nồng nhiệt và nhiều ưu tư của anh. Nguyễn Nhật Ánh băn khoăn với Ngổn ngang phố xá, Đồ giả, Khi nhà không có đàn ông; hoài niệm với Sách của một thời, Chia tay buổi chiều... Cũng là nỗi bức xúc chung của xã hội nhưng Nguyễn Nhật Ánh vẫn hiền lành, ôn nhu. Là một tiếng thở dài nhẹ nhàng nhưng đủ để người đọc giật mình và "thấm".

2. Tạp bút Đỗ thì không lạ với những ai đã từng thân thuộc, gần gũi với nhà thơ Đỗ Trung Quân vì anh là người có tính cách rất... tạp bút. Tôi đã bắt gặp anh lặng lẽ với cái lưng cong, đầu cúi thấp, lặng lẽ "góp nhặt từ lề đường" những câu chuyện tưởng nhỏ nhưng không nhỏ, những câu chuyện dễ bị rơi vào cái "trí quên" của đám đông ồn ào và bận bịu, đem về thì thầm với trang sách. Để hoài niệm, để trải lòng với những người bạn già: Chỗ ngồi có một cái tình, Lang thang con chuồn chuồn ớt... Để nhắc nhở với những người trẻ: Tiếng Việt khó lắm thay!, Bơi đi... Tạp bút Đỗ với Đỗ Trung Quân là của xã hội, của gia đình chứ không phải là của những cơn mưa tháng sáu, của phượng hồng, của chùm khế ngọt, của mây của gió.

3. Khác với Nguyễn Nhật Ánh thông minh, dí dỏm, Đỗ Trung Quân sâu lắng, trữ tình, Cửa sổ lớp học - 108 câu chuyện sư phạm của nhà văn Trần Quốc Toàn ngắn gọn, điềm đạm. Tản văn thấp thoáng nỗi buồn vui của một ông giáo trường huyện suốt 20 năm về những người học trò của mình với nhiều số phận khác nhau, về bản thân nghề giáo. Cả các vấn đề xã hội lớn lao, những cảnh ngộ đời người cũng được săm soi qua đôi mắt của một nhà mô phạm. Trang viết như những bài học đạo đức nhưng không hề rao giảng mà thủ thỉ nhẹ nhàng. Trần Quốc Toàn không chỉ nhìn đời dưới đôi mắt một nhà giáo mà còn qua đôi mắt mơ mộng của một nhà văn. Chính vì thế, anh mới nhìn ra một anh giáo đổi thước lấy sào chăn vịt, ung dung như một lãng tử, mới thấy được con bách thanh phải học tiếng dế gáy để có thêm cái ngọt ngào quyến rũ trong giọng hót.

4. Tạp bút, tản văn thì tự do lắm. Người viết cứ sống, cứ đi, quan sát và viết. Đủ thứ chuyện trên trời dưới bể. Nhà văn, nhà thơ không chỉ có hoa, lá, cây, cỏ, mây, mưa, chim chóc. Những câu chuyện đời lớn nhỏ được soi dưới đôi mắt hiển vi của những người nghệ sĩ, nhẹ nhàng mà ray rứt, khơi gợi. Tập tùy bút Tản mạn trước đèn của nhà văn Đỗ Chu vượt qua hàng loạt truyện ngắn và tiểu thuyết để chiếm giải cao nhất của Hội nhà văn Việt Nam năm 2005 càng cho thấy tản văn đang được mùa.

Người trẻ chưa đọc đừng vội kết luận đó là những chuyện lẩn thẩn của những ông già "lắm chuyện". Đọc, để thấy mình hãy còn quá trẻ!

Minh Hoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.