TAND tối cao đề xuất bỏ quy định tòa có quyền khởi tố vụ án hình sự

22/02/2023 19:12 GMT+7

TAND tối cao đề xuất bỏ quy định tòa án có quyền khởi tố vụ án hình sự, nhằm tránh trường hợp toà án vừa ra quyết định khởi tố vừa tiến hành xét xử chính vụ án đó.

TAND tối cao đang lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo hồ sơ luật Sửa đổi, bổ sung một số điều luật Tổ chức TAND năm 2014. Cơ quan này đề xuất nhiều quy định mới liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tòa án.

TAND tối cao đề xuất bỏ quy định tòa có quyền khởi tố vụ án hình sự - Ảnh 1.

TAND tối cao đề xuất bỏ quy định tòa án có quyền khởi tố vụ án hình sự tại tòa

TUYẾN PHAN

Đề xuất bỏ quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự

Khoản 3 điều 2 luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định: khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, tòa án có quyền khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.

Theo TAND tối cao, quy định trên hiện không còn phù hợp. Lý do, việc ra quyết định khởi tố vụ án thuộc chức năng của cơ quan điều tra và công tố. Tòa án là cơ quan xét xử, nếu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan trong quá trình xét xử vụ án đó.

Cơ quan này đề xuất bỏ quy định "tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa".

Đề xuất trên được TAND tối cao đánh giá sẽ giúp giảm bớt thủ tục tố tụng; góp phần bảo đảm tính khách quan của toà án trong quá trình giải quyết vụ án, tránh trường hợp toà án vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, vừa tiến hành xét xử chính vụ án mà mình khởi tố.

Dù vậy, việc bỏ quy định tòa án có quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sẽ dẫn đến phải sửa đổi khoản 4 điều 153, bãi bỏ đoạn 3 khoản 2 điều 154 bộ luật Tố tụng hình sự.

Nhưng theo quy định tại luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc sửa đổi và bãi bỏ nói trên có thể thực hiện ngay trong phạm vi luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức TAND năm 2014.

Tòa không có nghĩa vụ phải thu thập chứng cứ

Vẫn theo điều 2 luật Tổ chức TAND năm 2014, khi thực hiện xét xử vụ án hình sự, tòa án có quyền "kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự". 

Đồng thời, tòa án "xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính".

Đánh giá quy định như trên hiện không còn phù hợp, TAND tối cao đề xuất bỏ quy định về việc tòa án có thẩm quyền thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hình sự.

Riêng với các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, tòa không có nghĩa vụ phải thu thập chứng cứ, nghĩa vụ thu thập và cung cấp chứng cứ thuộc về đương sự, nhưng có quyền hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ khi xét thấy cần thiết.

Theo TAND tối cao, đề xuất này sẽ giúp tăng cường tranh tụng trong xét xử, giảm khối lượng công việc mà toà án phải thực hiện khi giải quyết vụ án.

Trong đó, cơ quan điều tra, viện kiểm sát có nhiệm vụ thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm; đương sự có trách nhiệm thu thập chứng cứ, đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình; toà án đóng vai trò là trọng tài phân xử trên cơ sở chứng cứ mà các bên đưa ra.

Dù vậy, đề xuất sửa đổi quyền thu nhập chứng cứ của tòa án sẽ dẫn đến phải sửa đổi một số quy định của bộ luật Tố tụng hình sự, bộ luật Tố tụng dân sự, luật Tố tụng hành chính. Việc sửa đổi có thể được thực hiện ngay trong phạm vi luật Sửa đổi, bổ sung luật Tổ chức TAND năm 2014.

Đề xuất bổ sung thêm quyền, nhiệm vụ của tòa án

TAND cũng đề xuất bổ sung thêm một số quyền và nhiệm vụ của tòa án.

Ví dụ: xem xét, quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân; xét xử các vi phạm hành chính; xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc…

Đề xuất trên sẽ tạo nhận thức thống nhất, đầy đủ, đúng đắn về vị trí, vai trò của tòa án trong bộ máy nhà nước; góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật…

Về tác động, việc bổ sung một số nhiệm vụ của tòa án sẽ làm phát sinh kinh phí triển khai (tổ chức phiên toà, phiên họp), nhưng các khoản chi phí này là không đáng kể do chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên toà, phiên họp giải quyết việc dân sự hiện nay là rất thấp so với mặt bằng chung của đời sống xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.