TAND tối cao vừa công bố dự thảo lần 5 luật Tổ chức TAND sửa đổi. Cơ quan này đề xuất nhiều điểm mới liên quan đến việc giám sát hoạt động của TAND.
Tòa đề xuất không giám sát, đại biểu đề nghị rà soát lại
Theo luật Tổ chức TAND năm 2014 đang có hiệu lực, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND, đại biểu HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận giám sát hoạt động của TAND.
Tại dự thảo, TAND cơ bản giữ nguyên quy định trên, nhưng đề xuất "không tiến hành điều tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động xét xử, giải quyết các vụ việc đang trong quá trình tố tụng, trừ trường hợp có căn cứ rõ ràng xác định thẩm phán, hội thẩm, thẩm tra viên, thư ký tòa án vi phạm pháp luật hình sự".
Nội dung này nhận được nhiều ý kiến băn khoăn. Hồi giữa tháng 9, khi cho ý kiến thẩm tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị không đưa quy định "không tiến hành điều tra, thanh tra…" vào trong dự thảo.
Lý do, Quốc hội có quyền giám sát đối với hoạt động của Nhà nước, trong đó có tòa án. Hoạt động giám sát, thanh tra, điều tra đều phải tôn trọng nguyên tắc độc lập của thẩm phán, hội thẩm khi xét xử; không can thiệp vào các hoạt động bình thường của tòa án; góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, viện dẫn quy định tại Hiến pháp, cho thấy Quốc hội có thẩm quyền thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của TAND tối cao…
Bà Thúy Anh cho rằng thẩm quyền hiến định về giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bị giới hạn trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình tố tụng, vì thế cơ quan soạn thảo nên rà soát lại quy định như trong dự thảo.
Đảm bảo cho độc lập tư pháp?
Giải trình trước các băn khoăn, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao, đồng tình với ý kiến của đại biểu về việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền giám sát không hạn chế.
"Điều đó là đúng, nhưng cũng xin báo cáo rằng không có một quốc gia nào vụ án đang trong quá trình tố tụng mà vào thanh tra, kiểm tra hay giám sát cả. Bởi vì thời hạn tố tụng bị khống chế, nếu như vào điều tra thì có nghĩa phải dừng lại để phục vụ cho điều tra, truy tố, xét xử", ông Bình nói.
Chánh án TAND tối cao khẳng định quy định như dự thảo nhằm đảm bảo cho độc lập tư pháp không bị xâm phạm. Vụ án sơ thẩm mà sai thì có phúc thẩm, phúc thẩm mà sai thì có giám đốc thẩm. Nếu vụ án đang giai đoạn sơ thẩm, chẳng hạn án hành chính làm không đúng ý ông A., ông B. mà bảo là sai để vào thanh tra, kiểm tra, giám sát… thì sẽ ảnh hưởng đến thời hạn tố tụng.
Ông Bình lấy ví dụ vụ án gỗ trắc ở Quảng Trị, khi đang làm hình sự thì có yêu cầu Quốc hội giám sát, khiến tòa phải dừng lại để Ủy ban Tư pháp tập hợp ý kiến, sau đó lại có ý kiến đã 3 năm rồi mà không xử vụ án hành chính.
Theo ông, vụ án đang trong giai đoạn xử lý hình sự thì phải giải quyết theo trình tự của hình sự, khi có yêu cầu giám sát thì phải dừng lại để giám sát, không giám sát nữa thì tiếp tục giải quyết; giải quyết theo trình tự hình sự xong thì mới giải quyết theo trình tự hành chính.
"Làm sao một vụ án phải giải quyết đồng thời 3 việc, vừa hình sự, vừa giám sát, vừa hành chính", Chánh án TAND tối cao nhấn mạnh, và cho rằng nếu thanh tra, kiểm tra, giám sát khi vụ án đang trong quá trình tố tụng có thể dẫn tới vi phạm thời hạn tố tụng.
Bình luận (0)