TAND tối cao đề xuất thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia

20/09/2023 19:15 GMT+7

TAND tối cao đề xuất thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia, với 2 phương án gồm Chủ tịch nước hoặc Chánh án TAND tối cao làm chủ tịch hội đồng.

TAND tối cao đang lấy ý kiến đối với dự thảo lần 4 luật Tổ chức TAND sửa đổi. Một trong những điểm mới, cơ quan này đề xuất thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia.

Hội đồng Tư pháp quốc gia dự kiến được thành lập trên cơ sở kế thừa tổ chức và hoạt động của Hội đồng Tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia hiện nay.

TAND tối cao đề xuất thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia - Ảnh 1.

TAND tối cao đề xuất thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia, trên cơ sở kế thừa tổ chức và hoạt động của Hội đồng Tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia hiện nay

TUYẾN PHAN

2 phương án về chủ tịch hội đồng

TAND tối cao đưa ra 2 phương án. Thứ nhất, thành phần Hội đồng Tư pháp quốc gia gồm Chủ tịch nước làm chủ tịch hội đồng, Chánh án TAND tối cao làm phó chủ tịch; ngoài ra có Phó chánh án TAND tối cao, Chánh án TAND cấp cao cùng đại diện một số bộ, ngành.

Thứ hai, thành phần Hội đồng Tư pháp quốc gia gồm Chánh án TAND tối cao làm chủ tịch hội đồng, một phó chủ tịch chuyên trách, một phó chủ tịch kiêm nhiệm do Phó chánh án TAND tối cao đảm nhiệm cùng đại diện một số bộ, ngành…

Hội đồng Tư pháp quốc gia có chức năng tuyển chọn, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm thẩm phán, xem xét các khiếu nại liên quan đến bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật thẩm phán; giám sát việc phân bổ biên chế, kinh phí, nguồn lực cho các TAND; bảo vệ thẩm phán…

Theo TAND tối cao, việc thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia nhằm tăng cường tính khách quan, minh bạch trong việc cấp, phân bổ kinh phí, biên chế cho các tòa án, qua đó bảo đảm độc lập trong hoạt động của thẩm phán và độc lập giữa các cấp tòa án.

Hội đồng Tư pháp quốc gia còn được kỳ vọng ngăn ngừa khả năng người lãnh đạo quản lý sử dụng công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật hoặc những biện pháp hành chính khác như một công cụ để tác động, làm ảnh hưởng đến tính độc lập của thẩm phán khi xét xử.

TAND tối cao đề xuất thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia - Ảnh 2.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi

QUỐC HỘI

Trong báo cáo thẩm tra được trình bày hôm 18.9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, bên cạnh những ý kiến đồng tình, đa số nhận định việc thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia là vấn đề rất lớn, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Cả Nghị quyết 27-NQ/TW và Hiến pháp 2013 đều không quy định nội dung này.

Theo nhóm đa số, từ khi thành lập tới nay, Hội đồng Tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong trường hợp bổ sung các nhiệm vụ mới, cơ quan này vẫn có thể đảm nhiệm thêm.

Các ý kiến đề nghị không thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia mà giữ quy định về Hội đồng Tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đặt vấn đề: với cơ chế như dự thảo nêu, thành phần của Hội đồng Tư pháp quốc gia chủ yếu vẫn là lãnh đạo của tòa án tối cao; một số thành viên khác tham gia hội đồng không trực tiếp tham gia hoạt động quản trị tòa án; hội đồng hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm...

Với thành phần, phương thức hoạt động như vậy, ông Tùng cho rằng, chưa giải quyết được vấn đề nêu trong Nghị quyết số 27-NQ/TW, liên quan đến bảo đảm tính độc lập của thẩm phán và tòa án.

Ông Tùng đề nghị làm rõ thêm về mối quan hệ giữa Hội đồng Tư pháp quốc gia với tòa án các cấp; đánh giá ưu điểm, hạn chế của từng phương án, gồm cả việc củng cố Hội đồng Tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia như hiện hành mà vẫn khắc phục được hạn chế trong quan hệ hành chính.

TAND tối cao đề xuất thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia - Ảnh 3.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình về các nội dung trong dự thảo

QUỐC HỘI

Ngăn chặn việc dùng quyền lực tác động vào xét xử

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ban soạn thảo đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nghiên cứu rất nhiều luật, không quốc gia nào có của Hội đồng Tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia mà chỉ có Hội đồng Tư pháp quốc gia.

Ông Bình cho hay, Hội đồng Tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia với nhiệm vụ chính là tuyển chọn thẩm phán rồi trình Quốc hội (với thẩm phán TAND tối cao), trình Chủ tịch nước (với thẩm phán).

Hiện nay, một số nhiệm vụ mới được đặt ra, trong đó có vai trò trọng tài để xử lý các khiếu nại, khiếu kiện về điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, đề bạt.

"Ví dụ, chánh án tỉnh không nghe lời ông thì ông điều đi vùng sâu, vùng xa; ông khen thưởng không đúng, ông kỷ luật không đúng; ông dùng các quan hệ hành chính để tác động vào độc lập tư pháp thì phải có một cơ quan làm trọng tài trong việc này", Chánh án TAND tối cao dẫn chứng.

Ông Bình cũng nhận định, trước mắt, Hội đồng Tư pháp quốc gia (theo dự thảo) chưa thể làm được như tất cả các nước, nhưng ít nhất cũng ngăn chặn được hành vi sử dụng quyền lực hành chính để tác động vào quá trình xét xử, không đúng với thẩm quyền.

Về chức danh Chủ tịch Hội đồng Tư pháp quốc gia, ông Bình nói ban đầu cơ quan soạn thảo đưa ra phương án là Chủ tịch nước. Do có ý kiến góp ý rằng Hiến pháp không quy định quyền của Chủ tịch nước về việc này, ban soạn thảo đưa thêm phương án là Chánh án TAND tối cao để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.