TAND tối cao đề xuất xây dựng luật về xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội

10/04/2023 16:00 GMT+7

TAND tối cao đề xuất xây dựng luật Tư pháp người chưa thành niên, trong đó có nhiều quy định mới liên quan đến xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội.

Sáng 10.4, tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày tờ trình tóm tắt đề nghị xây dựng luật Tư pháp người chưa thành niên.

Việt Nam hiện có 7 bộ luật, luật điều chỉnh trực tiếp về tư pháp người chưa thành niên; điều này dẫn tới các quy định còn tản mạn, nhiều tầng nấc, chồng chéo, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn.

TAND tối cao cho rằng cần có cách tiếp cận đặc thù thông qua một đạo luật chuyên biệt, quy định toàn diện, đầy đủ các vấn đề về tư pháp hình sự đối với nhóm đối tượng này. Luật sẽ gồm 6 nhóm chính sách lớn, hướng tới việc đề cao giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ để người chưa thành niên tự sửa chữa, cải thiện hành vi.

TAND tối cao đề xuất xây dựng luật về xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội - Ảnh 1.

Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày tờ trình tóm tắt đề nghị xây dựng các dự án luật do TAND tối cao chủ trì soạn thảo

QUOCHOI.VN

Tăng thẩm quyền truy tố cho viện kiểm sát

TAND tối cao đề xuất đổi mới, xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện đối với người dưới 18 tuổi. Ví dụ, phòng lấy lời khai, phòng xử án sẽ có màu xanh, cùng mặt phẳng, bố trí bàn ghế kiểu văn phòng; người tiến hành tố tụng không mặc trang phục ngành mà mặc trang phục làm việc hành chính.

Hay như không được lấy lời khai sau 19 giờ, trừ trường hợp phạm tội có tổ chức, phức tạp và cần ngăn chặn người khác phạm tội; cha mẹ, người chăm sóc hoặc người lớn hỗ trợ khác được thông báo và có mặt trong toàn bộ quá trình tố tụng; thời hạn điều tra, truy tố, xét xử không quá 3/4 thời hạn pháp luật quy định đối với các trường hợp tương ứng…

Đặc biệt, TAND tối cao đề xuất cho phép viện kiểm sát được quyền truy tố người chưa thành niên theo mức hình phạt chỉ bằng 1/2 mức hình phạt trong khung hình phạt tương ứng khi đáp ứng đủ 3 điều kiện.

Thứ nhất, người chưa thành niên (từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi) phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, người chưa thành niên (từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi) phạm tội rất nghiêm trọng, thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu hoặc tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người và không đủ điều kiện được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Thứ hai, có sự đồng ý, thỏa thuận với bị hại. Thứ ba, bị can thú nhận hành vi phạm tội trước khi ra bản cáo trạng.

Theo TAND tối cao, quy định hiện nay khiến viện kiểm sát chỉ có quyền truy tố theo khung hình phạt luật định, điều này chưa bảo đảm nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên và chưa tương ứng với thẩm quyền của tòa án (được quyền tuyên mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng).

Thay đổi hệ thống hình phạt

Vẫn theo TAND tối cao, điều 96 bộ luật Hình sự quy định giáo dục tại trường giáo dưỡng là một biện pháp tư pháp, giới hạn về quyền tự do của người chưa thành niên, được đánh giá là nặng hơn hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo và chỉ nhẹ hơn hình phạt tù. Vì vậy, phải coi đây là một trong các loại hình phạt mới phù hợp.

Bên cạnh đó, điều 98 bộ luật Hình sự quy định cảnh cáo là một loại hình phạt. Về bản chất, hình phạt này có thể được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, có thể coi là một trong các biện pháp xử lý chuyển hướng và được áp dụng từ giai đoạn khởi tố, điều tra và chuẩn bị xét xử mà không bắt buộc phải quyết định tại phiên tòa như hiện hành, dẫn đến kéo dài thời gian tố tụng, phức tạp về trình tự áp dụng.

Điều 99 bộ luật Hình sự quy định chỉ áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên có thu nhập hoặc có tài sản riêng, nếu người chưa thành niên không có thu nhập hoặc không có tài sản riêng thì có thể phải chịu hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù. Điều này là chưa bảo đảm tính công bằng.

Từ những cơ sở trên, TAND tối cao đề xuất hệ thống hình phạt áp dụng với người chưa thành niên bao gồm: cải tạo không giam giữ, giáo dục tại trường giáo dưỡng và tù có thời hạn (không còn cảnh cáo và phạt tiền).

Trong đó, với tù có thời hạn, khung hình phạt áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi "không quá 3/4 khung hình phạt mà điều luật quy định", từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi "không quá 1/2 khung hình phạt mà điều luật quy định".

TAND tối cao còn đề xuất giao Bộ LĐ-TB-XH là cơ quan thực hiện chức năng điều phối về tư pháp người chưa thành niên.

Cơ quan điều phối có nhiệm vụ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chiến lược về tư pháp người chưa thành niên; phối hợp, trao đổi thông tin trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo về hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Cùng với đó là quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ hoạt động tư pháp người chưa thành niên (nguồn kinh phí hình thành từ ngân sách nhà nước và các khoản xã hội hóa hợp pháp khác); thực hiện các nhiệm vụ phối hợp khác có liên quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.