Tăng câu hỏi thực tiễn trong đề thi tuyển sinh lớp 10

19/02/2017 10:09 GMT+7

Chuẩn bị kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2017-2018, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: đề thi sẽ giảm câu hỏi mang tính hàn lâm, tăng câu hỏi thực tiễn giúp thí sinh không cần phải dồn sức học thêm vẫn có thể làm được.

Ông Trần Tiến Thành (chuyên viên môn Ngữ văn Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết: Cấu trúc đề thi môn ngữ văn gồm 2 phần: phần đọc hiểu (3 điểm) và phần tạo lập văn bản (7 điểm): Viết văn bản nghị luận xã hội (3 điểm) và Văn bản nghị luận văn học (4 điểm)
Đề thi hướng đến việc kiểm tra các năng lực cơ bản mà môn Ngữ văn đã trang bị cho học sinh: năng lực đọc hiểu, năng lực sử dụng ngôn ngữ để trình bày một vấn đề, để thuyết phục người khác, năng lực cảm thụ tác phẩm văn học.
Cụ thể, ở phần đọc hiểu, văn bản được chọn có thể thuộc các thể loại khác nhau (văn bản nghị luận xã hội, văn bản văn học, văn bản nhật dụng…). Hệ thống câu hỏi đặt ra theo các cấp độ tư duy từ dễ đến khó (nhận diện, thông hiểu, vận dụng). Vậy, học sinh phải có năng lực đọc hiểu đa dạng các thể loại (theo chương trình Ngữ văn 9), phải luyện tập trao đổi, tranh luận, phải tự đặt ra và giải quyết các câu hỏi khi đọc các văn bản để nâng cao năng lực đọc hiểu.
Ở phần tạo lập văn bản, nội dung bàn luận ở câu nghị luận xã hội cũng đa dạng, phong phú, có thể bàn về các giá trị phổ quát, cũng có thể là các vấn đề thời sự, các vấn đề tuổi trẻ quan tâm. Để làm tốt câu nghị luận xã hội, học sinh cần rèn luyện các kỹ năng, các thao tác lập luận (đặc biệt là các thao tác lập luận giải thích, chứng minh và bình luận), cần đọc sách, báo, cần "quan sát và lắng nghe" cuộc sống.
Tương tự, ở câu nghị luận văn học học sinh cần rèn luyện kỹ năng phân tích thơ, truyện, cần đọc sâu, nghiền ngẫm để hiểu và cảm tác phẩm; rèn kỹ năng liên hệ, so sánh, khái quát,…
Bên cạnh việc đánh giá, phân loại học sinh theo các mức năng lực (ở mỗi nội dung đều có những yêu cầu cao dành cho học sinh khá giỏi), đề thi mong muốn có những tác động đến việc đổi mới dạy và học Ngữ văn trong nhà trường.
Đề thi toán, ngoại ngữ cũng sẽ có những điểm mới hơn so với đê thi năm 2016-2017. Cụ thể, các câu hỏi sẽ không nặng về kỹ thuật làm bài. Đồng thời các sự kiện thời sự cũng sẽ được đưa vào đề thi trên tinh thần phù hợp với đối tượng là học sinh và không có yếu tố nhạy cảm.
Ông Dương Bửi Lộc (chuyên viên môn toán Sở GD-ĐT TP.HCM) khẳng định, với cách ra đề thi lớp 10 như năm nay thì học sinh trung bình vẫn có thể đạt điểm 5 trở lên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.