tiếng Nhật trở thành ngoại ngữ 1 ở nhiều trường
Năm 2003, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Bộ GD-ĐT VN cùng Đại sứ quán Nhật Bản bắt đầu hợp tác xúc tiến chương trình thí điểm dạy và học tiếng Nhật trong bậc THCS, THPT. Sau 20 năm, tiếng Nhật đã trở thành ngoại ngữ 1 (môn bắt buộc) với số trường công lập, ngoài công lập có tổ chức giảng dạy tại Hà Nội, TP.HCM liên tục tăng, song song đó mở rộng thêm ở bậc tiểu học (bắt đầu từ lớp 3).
Hiện ở TP.HCM, tiếng Nhật là ngoại ngữ 1 được giảng dạy tại các trường như: THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5), THPT Lê Quý Đôn (Q.3), THPT Marie Curie (Q.3), THPT Trưng Vương (Q.1), THCS Lê Quý Đôn (Q.3), THCS Hai Bà Trưng (Q.3), THCS Võ Trường Toản (Q.1).
"Thời cơ" du học Nhật Bản
Nhật Bản cũng là điểm đến phổ biến với du học sinh (DHS) Việt. Theo dữ liệu từ Tổ chức Hỗ trợ sinh viên (SV) Nhật Bản (JASSO), VN đứng thứ 2 về số DHS tại Nhật Bản vào năm 2022 với 37.405 người, giữ vững thứ hạng đã đạt được từ năm 2014. Số DHS Việt cũng tăng khoảng 22 lần so với lần đầu VN lọt tốp 5 vào năm 2005, và mức cao nhất ghi nhận vào năm 2019 với hơn 70.000 người.
Mở rộng giao lưu văn hóa
Không dừng ở việc dạy tiếng Nhật, tại TP.HCM, nhiều trường THPT như chuyên Trần Đại Nghĩa, chuyên Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Marie Curie... cũng tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, trải nghiệm giáo dục với các trường THPT Nhật Bản.
Ngày hội văn hóa Nhật Bản và vòng chung kết cuộc thi hùng biện tiếng Nhật với chủ đề Văn hóa ẩm thực Nhật Bản - Trải nghiệm và chia sẻ đã diễn ra tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong vào ngày 25.11 với sự tham gia của HS các trường có dạy tiếng Nhật tại TP.HCM.
Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai ngày 22.11 đã đón đoàn HS từ Trường THPT Koryo, "nối lại" hoạt động giao lưu sau nhiều năm gián đoạn vì đại dịch.
Thầy Nguyễn Văn Ba, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết chương trình vừa tạo điều kiện để HS hai nước giới thiệu nền văn hóa, giao lưu văn nghệ, thể thao, vừa là dịp để lãnh đạo hai trường trao đổi kinh nghiệm quản lý, dạy học.
Cũng trong khuôn khổ của các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao VN - Nhật Bản, từ ngày 12 - 19.11, đã có 20 HS Trường THPT Marie Curie và Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) tham quan, trao đổi, giao lưu về học tập, văn hóa với HS tại Nhật Bản.
Ông Nguyễn Vân Yên, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (Q.3), cho biết vào đầu tháng 1.2024, đoàn HS Nhật Bản sẽ đến TP.HCM giao lưu, trải nghiệm văn hóa cùng HS VN.
Bích Thanh - Ngọc Long
So với các thị trường như châu Âu, Mỹ... chi phí du học Nhật Bản không cao và quốc gia này cũng đang "khát" nhân lực. Ông Huỳnh Thiên Long, Giám đốc Công ty TNHH Aichi Việt Nam, cho hay Nhật Bản có đa dạng học bổng từ cấp chính phủ đến cấp doanh nghiệp như học bổng của báo Mainichi, báo Asahi, Tập đoàn Fast Retailing. Ngoài ra, nếu chọn du học tự túc, các trường ĐH Nhật Bản cũng có nhiều chương trình thu hút DHS Việt như giảm 10 - 30% học phí, hay thưởng cho cá nhân có thành tích cao khi nộp hồ sơ nhập học.
"Ở Nhật, nhà trường và doanh nghiệp liên kết khá chặt chẽ nên DHS có thể tìm việc toàn thời gian từ sớm. Từ giữa năm 3, SV sẽ được tham gia các buổi hướng nghiệp để học cách viết CV, phỏng vấn, thực hiện bài kiểm tra năng lực... để chuẩn bị cho quá trình xin việc. Và thường 6 tháng trước khi tốt nghiệp, nhiều bạn đã nhận được lời mời tuyển dụng", nam giám đốc chia sẻ.
Bà Võ Thị Bảo Anh, Trưởng ngành phiên dịch tiếng Nhật kinh tế, thương mại Trường CĐ Nova (TP.HCM), cho biết thêm hai lựa chọn đến Nhật Bản phổ biến là du học tiếng và du học cử nhân. Đối với du học tiếng, SV đạt yêu cầu tối thiểu về tiếng Nhật trình độ tương đương N5. Còn đối với du học cử nhân, không chỉ VN mà tất cả SV quốc tế đều phải tham gia Kỳ thi du học Nhật Bản (EJU) và đạt điểm đậu mới được trường xét tuyển.
"Cơ hội du học Nhật Bản bằng tiếng Anh ở hệ ĐH là rất ít vì đa số trường đều dạy bằng tiếng Nhật. Tuy nhiên, ở bậc sau ĐH, các bạn sẽ có nhiều chương trình tiếng Anh hơn. Các ngành hiện đang "khát" nhân lực tại Nhật là điện tử, cơ khí, ô tô, dịch vụ y tế, xây dựng, du lịch, nhà hàng - khách sạn... Và nếu chọn những ngành hiếm người học như nông nghiệp, các bạn cũng có cơ hội nhận học bổng toàn phần", bà Bảo Anh nói thêm.
CƠ HỘI PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC
Với bậc giáo dục ĐH, chương trình liên kết đào tạo là một điểm nổi bật trong mối quan hệ hợp tác giáo dục Việt - Nhật. Tùy vào chương trình liên kết giữa các trường CĐ, ĐH VN với trường Nhật mà SV có thể đến Nhật Bản theo diện 2+2 (2 năm học ở VN, 2 năm học ở Nhật Bản) hay 3+1. Số liệu từ Bộ GD-ĐT năm 2020 cho thấy, VN cũng có gần 20 trường ĐH đang có khoa, bộ môn tiếng Nhật hoặc Nhật Bản học.
Một hoạt động đáng chú ý khác là chương trình thực tập tại Nhật Bản dành cho SV. Chẳng hạn, Trường ĐH Văn Hiến (TP.HCM) cho phép SV năm 3, năm 4 ở mọi ngành có trình độ tiếng Nhật JLPT N4 trở lên đến Nhật thực tập từ 3 - 12 tháng. "Tuy nhiên, các bạn phải trải qua kỳ phỏng vấn sát hạch trực tiếp với doanh nghiệp Nhật Bản", PGS-TS Nguyễn Minh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, lưu ý.
Tương tự, bà Bảo Anh cho biết Trường CĐ Nova cũng triển khai chương trình thực tập tại Nhật Bản cho SV toàn trường. Các chương trình thường kéo dài 3 tháng đến 1 năm với yêu cầu tối thiểu là năng lực tiếng Nhật từ N3 (với SV ngành ngôn ngữ Nhật) và N4 (SV các ngành khác), cũng như phải vượt qua vòng phỏng vấn với doanh nghiệp.
Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực
Những năm qua, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hỗ trợ VN trong nhiều lĩnh vực, đạt nhiều thành tựu ở đa dạng lĩnh vực, trong đó có GD-ĐT, phát triển nguồn nhân lực.
Ông Kubo Yoshitomo, Phó trưởng đại diện phụ trách truyền thông - JICA VN, cho biết về hợp tác phát triển nguồn nhân lực, Trường ĐH Việt Nhật khai giảng năm 2016 đã đào tạo được 306 học viên tốt nghiệp chương trình thạc sĩ. Từ năm 2020, trường đã mở thêm chương trình đào tạo cử nhân, và trong tương lai JICA sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai các hợp tác đưa Trường ĐH Việt Nhật phát triển trở thành "đơn vị đào tạo và nghiên cứu có uy tín hàng đầu ở châu Á" với quy mô 6.000 SV.
Ông Kubo Yoshitomo khẳng định phát triển nguồn nhân lực và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là những lĩnh vực ưu tiên trong chính sách hợp tác phát triển "Thúc đẩy tăng trưởng và tăng cường năng lực cạnh tranh" của Nhật Bản đối với VN.
Đặc biệt, hợp tác của JICA đối với các cơ sở giáo dục như: Trường ĐH Việt Nhật (VJU), Viện Phát triển nguồn nhân lực VN - Nhật Bản (VJCC), Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Bách khoa Hà Nội… đã giúp đào tạo hơn 100.000 nhân lực chất lượng cao.
Trong tháng 6.2023, VJCC đã phối hợp với UBND TP.Hà Nội tổ chức khóa đào tạo đội ngũ quản lý, giám đốc điều hành doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có 65 học viên tham gia khóa học về quản trị nhân sự, năng lực lãnh đạo, phát triển văn hóa doanh nghiệp.
Khóa đào tạo kinh doanh cao cấp (Keieijuku) tiếp tục được tổ chức tại Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng. Vào tháng 9.2023, VJCC đã tổ chức lễ tốt nghiệp cho 56 SV chương trình cử nhân kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản (JIB).
Một trong những thành tựu nổi bật cho thấy sự hỗ trợ, hợp tác của JICA và VN là học bổng phát triển nguồn nhân lực VN - Nhật Bản (JDS) thực hiện liên tục từ năm 2000 với tổng cộng 827 học bổng toàn phần được trao. Chương trình mang đến cho các cán bộ, công chức, viên chức trẻ của VN cơ hội theo học các chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ tại Nhật Bản.
Vào tháng 3.2023, JICA đã ký kết với Bộ GD-ĐT VN thỏa thuận viện trợ trị giá 676 triệu yen cho khóa 23 của chương trình JDS.
Thúy Hằng
Bình luận (0)