Rừng là nguồn sinh kế tự nhiên chủ yếu, lâu đời của người dân vùng ven biển, với các mô hình nuôi quảng canh đến khai thác trên và xung quanh lâm phần Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (sau đây gọi tắt là Vườn).
Để bảo tồn sự đa dạng sinh học của môi trường rừng, những năm gần đây, Ban giám đốc Vườn đã chủ động phối hợp với các sở, ngành đơn vị và chính quyền địa phương các cấp triển khai nhiều giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt.
Trước tiên, Vườn cùng với chính quyền địa phương thống nhất quan điểm bảo vệ rừng đặc dụng là bảo vệ hệ sinh thái; mọi hoạt động tác động, cả tác động vật lý, hoá học, sinh học đến môi trường rừng phải được ngăn chặn kịp thời và có chiều sâu. Công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trên lâm phần không chỉ là trách nhiệm riêng của Vườn mà rất cần sự chung tay, hỗ trợ chặt chẽ, thống nhất của các cơ quan, đơn vị và cả người dân. Hằng năm, Vườn đều chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và chính quyền địa phương về công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học. Đối với người dân, Vườn triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền thông qua các kênh truyền thông địa phương, các bảng quảng cáo, các buổi tập huấn, tuyên truyền trực tiếp, các ấn phẩm...
Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, Vườn luôn chú trọng công tác tổ chức, đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho viên chức, người lao động nhằm hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả; chủ động hợp tác, phối hợp với các tổ chức, trung tâm nghiên cứu, các viện trường, ngoài các định hướng nghiên cứu, phát triển trung và dài hạn. Hiện Vườn đang phối hợp với Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWW- Việt Nam), Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam xây dựng và triển khai các dự án phát triển rừng ngập mặn, hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng dân cư.
Ngoài ra, Vườn đang tích cực xây dựng và triển khai các đề án, phương án, với giải pháp thực hiện phải đạt mục tiêu hàng đầu là hỗ trợ sinh kế cho người dân trên, xung quanh lâm phần, vùng biển. Đặc biệt những năm gần đây, Vườn chú trọng phát triển các loại hình du lịch sinh thái cộng đồng mang lại hiệu quả tích cực trong việc nâng cao sinh kế, thông qua tạo việc làm tại chỗ, nguồn lực sẵn có tại địa phương như khai thác các loài cá, tôm, vọp, cá trong vuông tôm để chế biến các món ăn phục vụ du khách, làm gia tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, phát triển bền vững.
Qua các giải pháp được triển khai từ năm 2019 đến nay, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng dưới sự quan tâm sâu sát của UBND tỉnh, phối hợp của các sở, ngành và chính quyền địa phương cùng với sự lãnh đạo điều hành linh hoạt, chỉ đạo sát sao của Ban giám đốc, sự quyết tâm của viên chức, người lao động, đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên rừng, biển, góp phần cùng với chính quyền thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh khu vực ven biển. Kết quả bước đầu, quan trọng nhất là môi trường rừng được giữ vững, vai trò làm nôi cho các giống loài thủy sản phát triển, duy trì nguồn lợi tự nhiên từ đó đảm bảo duy trì sinh kế cho người dân trong và quanh lâm phần.
Bình luận (0)