Tăng cường đào tạo chuyên gia vi mạch tại TP.HCM

Loan Chi
Loan Chi
10/02/2023 15:01 GMT+7

Hôm nay 10.2, Trung tâm thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao (SHTP Chip Design Center - SCDC) tổ chức lễ bế giảng cho 24 giảng viên từ các trường đại học tại TP.HCM.

Nhằm đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành Công nghiệp vi mạch TP.HCM, mô hình Trung tâm thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao được thiết lập vào ngày 21.10.2022 trên cơ sở triển khai thỏa thuận hợp tác giữa Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Công ty Synopsys (Synopsys).

Là một trong 4 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao được thành lập với nhiệm vụ đào tạo, phát triển và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho các hoạt động công nghệ cao theo hướng thích nghi, đa dạng về nội dung và hình thức, phù hợp nhu cầu thực tiễn, tiệm cận trình độ khu vực và quốc tế.

Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao được chọn là nơi thiết lập, quản lý và vận hành mô hình SCDC, với cơ sở vật chất ban đầu là phòng đào tạo được hỗ trợ trang thiết bị từ Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và phần mềm bản quyền từ Synopsys. Ngay khi ra mắt, SCDC đã tổ chức khóa đào tạo Giảng viên (Trainning of Trainers - ToT) đầu tiên, với sự tham gia của 24 giảng viên nguồn trong đào tạo thiết kế vi mạch từ các trường đại học, cơ sở đào tạo.

Bế giảng khóa đào tạo thiết kế vi mạch cho 24 giảng viên - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM phát biểu tại buổi lễ bế mạc

L.C

Đội ngũ giảng viên khóa ToT đa dạng về độ tuổi và kênh tham gia, gồm các giảng viên trẻ từ các trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Bách Khoa, ĐH Công nghệ Thông tin; các giảng viên từ ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Cần Thơ, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Văn Lang - thông qua sự giới thiệu của Hội Vi mạch bán dẫn Thành phố (HSIA); và đội ngũ giảng viên/cộng tác viên của Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao cùng Synopsys.

Khóa ToT của SCDC được tổ chức từ ngày 19.12.2022 đến ngày 10.2.2023 tại Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao. Các giảng viên tham gia theo lịch học toàn khóa, nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ thực hành từ các kỹ sư nhiều kinh nghiệm, chương trình đào tạo được thiết kế và hướng dẫn thực hành bằng phần mềm thiết kế vi mạch của Synopsys.

Các giảng viên tham gia được tiếp cận toàn bộ thư viện, tài liệu giảng dạy độc quyền của Synopsys, từ đó có thể xây dựng chương trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp thực tiễn cho công tác giảng dạy sau này. Song song đó, các giảng viên được bố trí làm việc, thảo luận theo nhóm và tham gia các buổi hội thảo với khách mời là các chuyên gia trong ngành vi mạch trong và ngoài nước.

Cuối khóa ToT, các giảng viên đã thực hiện bài thi kết thúc khóa học và được cấp chứng nhận. SCDC kỳ vọng đây sẽ là nguồn giảng viên giúp đào tạo, lan tỏa kiến thức cùng kinh nghiệm về thiết kế vi mạch sâu rộng đến sinh viên cũng như đội ngũ kỹ sư nghiên cứu, ứng dụng tại các doanh nghiệp trong tương lai.

Trong thời gian tới, mô hình SCDC sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo vi mạch đến các trường, các doanh nghiệp, đào tạo đội ngũ giảng viên và tổ chức các chương trình hội thảo về vi mạch trong Khu Công nghệ cao nói riêng và trên địa bàn TP.HCM nói chung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.