Tăng cường đối ngoại để đáp ứng thời thế

01/01/2023 07:30 GMT+7

Năm 2022, tình hình đại dịch Covid-19 tuy vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp nhưng đã được kiểm soát hiệu quả, nên các sự kiện ngoại giao cấp cao cũng được tiến hành nhiều hơn.

Bên cạnh đó, vấn đề tăng cường ngoại giao còn trở nên quan trọng hơn trong năm qua vì nhiều lý do.

Thứ nhất, xung đột ở Ukraine đã làm thay đổi nhận thức của người dân thế giới. Trước khi xung đột xảy ra, nhiều người vẫn phớt lờ cảnh báo từ các chuyên gia an ninh về rủi ro chiến tranh. Đã lâu lắm rồi, chiến tranh giữa các nước lớn đã không xảy ra. Tuy nhiên, kể từ khi bùng nổ chiến sự ở Ukraine, nhiều người bắt đầu lo lắng về khả năng xảy ra chiến tranh ở quy mô lớn. Cũng vì thế, các chính phủ trên thế giới quyết định cử phái đoàn cấp cao của họ tham dự các hội nghị quốc tế. Đây là thời đại của ngoại giao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ diễn ra tại thủ đô Washington D.C (Mỹ) vào ngày 13.5.2022

TTXVN

Thứ hai, khi mọi người nhận ra tình hình an ninh nghiêm trọng như thế nào, thì cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung cũng leo thang. Năm nay, Trung Quốc đã nhiều lần vượt qua ranh giới giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan và tiến vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Đáp trả lại, Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu đã nhiều lần cử phái đoàn cấp cao, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan. Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ được công bố vào tháng 10.2022 chỉ ra rằng sự cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ leo thang. Giữa bối cảnh như vậy, làm thế nào để hạn chế bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh Mỹ - Trung, giữ vững sự phát triển là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia.

Thứ ba, trong một thế giới như vậy, nền kinh tế toàn cầu đang bị đe dọa, giá cả hàng hóa cũng tăng cao. Đặc biệt, cuộc xung đột Ukraine khiến giá năng lượng, nông sản, lương thực thực phẩm… tăng lên. Cạnh tranh Mỹ - Trung về an ninh kinh tế cũng leo thang. Thay vì thương mại tự do toàn cầu, hạn chế thấp hơn giữa các quốc gia, các bên chỉ tập trung chia sẻ chuỗi cung ứng và thị trường với các “quốc gia thân thiện”. Trong bối cảnh như vậy, vai trò của ngoại giao quan trọng hơn trước.

Hiện nay là thời điểm của ngoại giao. Vì thế, các nước, trong đó có VN, tăng cường hoạt động ngoại giao để giải quyết nhiều vấn đề. Quốc gia nào chậm thúc đẩy ngoại giao thì bị thiệt thòi.

TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.