Ngày 15.10, Bộ KH-ĐT ban hành Thông báo số 48 về kết luận phiên họp của Hội đồng Thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (sau đây gọi tắt là dự án).
Phiên họp diễn ra chiều 14.10 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định nhà nước.
Kỹ thuật hướng tuyến phải thẳng nhất có thể để giảm chi phí
Để bảo đảm tiến độ, chất lượng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, Hội đồng Thẩm định nhà nước đề nghị trên cơ sở các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư và Thường trực Chính phủ, Bộ GTVT tiếp thu, rà soát kỹ và bổ sung đầy đủ trong nội dung hồ sơ dự án bảo đảm chất lượng và hiệu quả.
Về dự báo nhu cầu vận tải: rà soát kỹ về số liệu dự báo nhu cầu vận tải (hành khách, hàng hóa) trên hành lang Bắc - Nam, bảo đảm sự tin cậy và phù hợp, tương đồng với các dự án trên thế giới.
Về hướng tuyến, vị trí của nhà ga: giải trình rõ việc tiếp thu chỉ đạo của Thường trực Chính phủ (Thông báo số 458/TB-VPCP ngày 6.10), đặc biệt là các yếu tố về kỹ thuật hướng tuyến phải thẳng nhất có thể để giảm chi phí (đặc biệt là đoạn tuyến qua tỉnh Nam Định), bảo đảm tốc độ khai thác cho các đoàn tàu, tạo không gian phát triển mới, tránh các khu dân cư, đô thị lớn nhưng phải có phương án kết nối phù hợp, thuận tiện để kết nối ngắn nhất đến sân bay, cảng biển lớn.
Cạnh đó, thuận tiện liên kết hành lang đông - tây và kết nối với các tuyến đường sắt Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đối thủ đáng gờm của hàng không
Về tốc độ khai thác: đề nghị Bộ GTVT thuyết minh kỹ các yêu cầu kỹ thuật của tuyến đường với tốc độ thiết kế 350 km/giờ trong việc khai thác tàu hàng container.
Về quy mô nhà ga: thuyết minh làm rõ quy mô nhà ga đáp ứng các nhu cầu hoạt động phụ trợ như bãi đỗ xe, kết nối với các phương tiện giao thông khác... diện tích tối thiểu theo thông lệ quốc tế.
Các ga phải tính toán, xác định diện tích đủ lớn phù hợp, bảo đảm tầm nhìn chiến lược lâu dài để phát triển đầy đủ dịch vụ, hiện đại, khai thác hiệu quả tối đa nguồn lực đất đai và không gian phát triển mới... Ngoài ra, xem xét không xác định quy mô tối đa của nhà ga theo ý kiến của một số địa phương.
Rà soát tổng thể các nhóm cơ chế chính sách đặc biệt
Đáng chú ý, Hội đồng Thẩm định nhà nước đề nghị Bộ GTVT làm rõ các thông số về quy mô đầu tư các hạng mục dự án trên cơ sở phân tích, đánh giá sự tuân thủ khung tiêu chuẩn áp dụng cho dự án, thực tiễn các dự án tương đồng trên thế giới và phù hợp với hoàn cảnh, các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.
Rà soát lại nội dung đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội và hiệu quả tài chính của dự án cho phù hợp. Cạnh đó, thuyết minh làm rõ phương án huy động và khả năng cân đối vốn cho dự án bảo đảm khả thi và đúng quy định pháp luật.
Ở khía cạnh cơ chế đặc biệt, Bộ GTVT được đề nghị rà soát tổng thể các nhóm cơ chế chính sách đặc biệt nêu trong hồ sơ, tài liệu dự án; rà soát kỹ lưỡng, làm rõ các cơ chế, chính sách thật sự cần thiết đối với dự án để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm hiệu lực pháp lý và tính khả thi thực hiện.
Làm rõ các đề xuất cơ chế chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao công nghệ; tìm kiếm vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài có chi phí thấp...
Hội đồng Thẩm định nhà nước cũng đề nghị Bộ GTVT làm rõ, tăng cường khả năng nội địa hóa, làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá lợi thế của hình thức đầu tư công so với các hình thức khác, nhất là đối với các đoạn không có ưu thế phát triển đường sắt…
Ngày 4.10, Bộ KH-ĐT (Cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định nhà nước) nhận được hồ sơ dự án (theo phương thức đầu tư công) gửi kèm theo Tờ trình số 10625/TTr-BGTVT ngày 2.10 của Bộ GTVT. Trong đó, hồ sơ dự án sau hoàn chỉnh thay đổi cơ bản so với nội dung trình trước đây đã được Hội đồng Thẩm định nhà nước và tư vấn thẩm tra cho ý kiến.
Cụ thể, kết quả dự báo nhu cầu vận tải (tăng nhu cầu vận tải hành khách). Phương thức vận tải chuyển từ vận tải hành khách sang vừa vận tải hành khách vừa chở hàng hóa. Tải trọng trục nâng từ 17 tấn/trục thành 22,5 tấn/trục. Tổng mức đầu tư nâng từ 58 tỉ USD thành 67,34 tỉ USD.
Ngoài ra, còn thay đổi mô hình quản lý vận hành khai thác. Phương thức đầu tư chuyển từ đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công. Tiến độ đầu tư giảm 10 năm; bổ sung các cơ chế đặc biệt...
Trên cơ sở ý kiến biểu quyết của hội đồng, Hội đồng Thẩm định nhà nước giao cơ quan thường trực của hội đồng hoàn thiện báo cáo kết quả thẩm định của hội đồng, trình Chủ tịch Hội đồng ký trình Chính phủ trong ngày 17.10.
Bình luận (0)