* Kiến nghị dừng cấp phép xây mới nhà máy thức ăn chăn nuôi
Trường hợp mua bán qua bên thứ ba thì phải thể hiện rõ tên nhà sản xuất trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Đây là yêu cầu của Bộ Tài chính trong công văn hỏa tốc chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, TP tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu đối với các mặt hàng thịt và sản phẩm từ thịt.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị hải quan thực hiện theo nội dung Quyết định số 902/QĐ-BNN-TY do Bộ NN-PTNT ban hành về việc tạm ngừng nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ 21 nhà máy giết mổ, chế biến thịt của Brazil đang bị điều tra do nghi ngờ sử dụng chất có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm kể từ ngày 23.3. Đồng thời các đơn vị hải quan phải kiểm tra thực tế toàn bộ lô thịt và sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm có xuất xứ từ Brazil đã về đến cửa khẩu trước ngày 23.3. Trong quá trình kiểm tra thực tế cần lưu ý đến thành phần, hạn sử dụng, nhãn hiệu, điều kiện bảo quản, an toàn thực phẩm...
Ngày 5.4, ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết cục này đã có văn bản gửi các địa phương trên toàn quốc kiến nghị tạm dừng cấp phép xây dựng mới các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN). Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, cả nước hiện có 209 nhà máy sản xuất TACN hỗn hợp và bổ sung với công suất đăng ký lên tới 31 triệu tấn, đã vượt 6 triệu tấn so với quy hoạch của ngành sản xuất TACN của VN (đến năm 2020 chỉ cho phép công suất là 25 triệu tấn).
Theo ông Chinh, số lượng nhà máy sản xuất TACN nhiều nhưng đang có vấn đề về mặt phân bổ. Tại các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, miền Đông Nam bộ có quá nhiều nhà máy sản xuất TACN nhưng ở nhiều tỉnh khu vực miền núi phía bắc và Tây nguyên thì có rất ít, thậm chí có tỉnh không có nhà máy TACN nào. Quy trình thủ tục đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất TACN do Sở NN-PTNT và UBND cấp tỉnh, TP chịu trách nhiệm phê duyệt và cấp phép nhưng khi thấy ngành này phát triển quá nóng, vượt quy hoạch thì Cục Chăn nuôi phải cảnh báo.
Bình luận (0)