Trong công văn hỏa tốc gửi chiều 5.5 do Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh ký, cơ quan này yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh thành phố, yêu cầu tăng cường rà soát, kiểm tra việc nhập khẩu các dây chuyền, thiết bị cũ về để sản xuất khẩu trang.
Theo đó, thời gian gần đây, một số trang thông tin điện tử phản ánh hiện tượng các tổ chức, cá nhân nhập khẩu dây chuyền để sản xuất khẩu trang trong bối cảnh nhu cầu khẩu trang tăng cao do dịch bệnh Covid-19 tiềm ẩn nguy cơ nhập khẩu các dây chuyền cũ, lạc hậu không bảo đảm tiêu chuẩn, kỹ thuật. Để bảo đảm việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động nhập khẩu dây chuyền, thiết bị phục vụ sản xuất khẩu trang, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện các công việc sau. Đó là chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan (Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài chính) thực hiện việc rà soát hoạt động nhập khẩu dây chuyền, thiết bị phục vụ sản xuất khẩu trang. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm thì tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tại các địa bàn biên giới phối hợp với cơ quan Hải quan và các lực lượng chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động nhập khẩu, vận chuyển tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, các tuyến đường giáp ranh khu vực biên giới nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đối với hoạt động nhập khẩu dây chuyền, thiết bị phục vụ sản xuất khẩu trang.
Tính từ đầu năm đến ngày 19.4, tổng lượng khẩu trang mà Việt Nam đã xuất khẩu đạt 415 triệu chiếc, trị giá 63 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ, Singapore...
Tuy nhiên các chuyên gia cũng lên tiếng lưu ý sản xuất khẩu trang chỉ mang tính thời vụ, việc gia tăng nhập khẩu thiết bị, máy móc, mở rộng quy mô cần được tính toán cẩn trọng.
Bình luận (0)