Tăng cường ngoại giao pháo hạm, Mỹ răn đe Trung Quốc

21/06/2020 09:00 GMT+7

Việc Mỹ mới đây điều động thêm tàu sân bay thứ 3 hoạt động ở Thái Bình Dương được giới chuyên gia đánh giá là nhằm tăng cường sức mạnh quân sự để răn đe Trung Quốc .

Vừa qua, theo thông báo từ hải quân Mỹ thì bên cạnh hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Ronald Reagan đang hoạt động ở biển Philippines, Lầu Năm Góc điều động thêm nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz hoạt động ở Thái Bình Dương. Đây có thể xem là cách thức ngoại giao pháo hạm trong bối cảnh khu vực có nhiều thách thức về mặt an ninh.

Đáp trả Bắc Kinh

Hôm qua (20.6), nhận định về động thái trên của Mỹ khi trả lời Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (chuyên ngành quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) phân tích: “Dưới thời Tổng thống Barack Obama với chiến lược “tái cân bằng châu Á”, chính quyền Mỹ tuyên bố điều động một tàu sân bay thường trú ở châu Á - Thái Bình Dương. Đó là vì vai trò của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) ngày càng quan trọng, đồng thời Trung Quốc gia tăng phát triển quân sự. Mỹ cũng dần thay đổi ưu tiên trong các chính sách dài hạn. Và nay, việc Mỹ điều động đến 3 tàu sân bay tham gia hoạt động ở Thái Bình Dương kết hợp cùng một số máy bay ném bom chiến lược B-1 Lancer là để đáp trả các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, eo biển Đài Loan cũng như tình hình Hồng Kông”.

Về chiến lược, động thái trên của Mỹ là bước tiếp theo để tăng cường sức mạnh quân sự. Nhất là khi Lầu Năm Góc cũng đã điều động thêm tàu ngầm, máy bay ném bom chiến lược và máy bay trinh sát không người lái đến khu vực gần đây

Cựu đại tá Carl O.Schuster

“Bên cạnh đó, động thái này của Washington còn nhằm trấn an các đồng minh, đối tác về cam kết nỗ lực giữ ổn định cho khu vực. Trước đó, việc tàu sân bay USS Theodore Roosevelt phải tạm ngưng hoạt động, neo đậu ở đảo Guam vì bệnh dịch đã khiến cho nhiều bên lo ngại hải quân Mỹ bị suy yếu sức mạnh”, GS Sato nói thêm.

Ý nghĩa cả về chiến lược lẫn chiến thuật

Cùng ngày 20.6, trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương hải quân Mỹ, đang giảng dạy ở Đại học Hawaii (Mỹ) về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận định: “Việc Mỹ điều động 3 tàu sân bay hoạt động ở Thái Bình Dương ẩn chứa nhiều thông điệp về chiến lược lẫn chiến thuật và vận hành”. Cựu đại tá Schuster chỉ ra các thông điệp đó như sau.

Lời cảnh báo cho Bắc Kinh

Lời cảnh báo cho Bắc Kinh

Ảnh: RAND

Washington điều thêm tàu sân bay đến Thái Bình Dương có thể xem là lời cảnh báo dành cho Bắc Kinh. Lời cảnh báo đó mang thông điệp rằng quân đội Mỹ đã sẵn sàng để bảo vệ lợi ích của nước này. Bên cạnh đó, việc triển khai thêm tàu sân bay thứ 3 như trên cũng là cách để Lầu Năm Góc chứng minh rằng Mỹ đủ sức kiểm soát để bệnh dịch Covid-19 không hạn chế thực lực của hải quân nước này.
Chuyên gia Timothy R.Heath
(Tổ chức RAND, Mỹ)
Về chiến lược, động thái trên của Mỹ là bước tiếp theo để tăng cường sức mạnh quân sự. Nhất là khi Lầu Năm Góc cũng đã điều động thêm tàu ngầm, máy bay ném bom chiến lược và máy bay trinh sát không người lái đến khu vực gần đây. Những bước đi này của Lầu Năm Góc một lần nữa chứng minh rằng bệnh dịch Covid-19 không làm tổn hao sức mạnh của hải quân Mỹ. Theo đó, các hạm đội Mỹ sẵn sàng ứng phó các tình huống bất ngờ.
Về mặt chiến thuật và vận hành, việc bổ sung thêm tàu sân bay đến Thái Bình Dương giúp cho hải quân Mỹ duy trì khả năng thực hành trực tiếp và liên tục ở khu vực này. Hải trình của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz thể hiện tuyến hoạt động lớn, kết hợp cùng lực lượng không quân trên tàu với tầm tác chiến hơn 700 km, cho phép Washington có thể nhanh chóng can thiệp quân sự ở mọi nơi trong khu vực. Đó là chưa kể lực lượng máy bay ném bom tầm xa B-1 đang đồn trú ở tây Thái Bình Dương chỉ mất vài giờ để tham chiến bất cứ nơi nào trong khu vực.
“Bên cạnh đó, việc Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực Thái Bình Dương sẽ khiến Trung Quốc khó có thể điều động lực lượng không quân và tên lửa từ phía đông sang phía tây nhằm đe dọa Ấn Độ”, ông Schuster phân tích.

Căn cứ của Mỹ ở Nhật vẫn đóng vai trò quan trọng

Nhật phản đối tàu Trung Quốc gần đảo tranh chấp

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga mới đây cho hay nước này đã phản đối Trung Quốc sau khi 4 tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hôm 17.6. Tính đến ngày đó, tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần hoặc bên trong vùng biển Nhật tuyên bố có chủ quyền xung quanh Senkaku/Điếu Ngư trong 65 ngày liên tiếp. Đây là thời gian hoạt động lâu nhất kể từ tháng 9.2012, khi chính phủ Nhật quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư, theo Kyodo News.
Cách đây hơn 5 tuần, tàu tuần duyên Nhật đã can thiệp để ngăn chặn một nhóm tàu hải cảnh Trung Quốc quấy rối một tàu cá Nhật hoạt động gần Senkaku/Điếu Ngư.    
Minh Trung
Tuy nhiên, GS Sato phân tích: “Về dài hạn, động thái tăng cường lực lượng viễn chinh cơ động như cách thức trên có lẽ chưa đủ để Washington trấn an đồng minh và đối tác trong khu vực. Bởi thực tế, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump vẫn theo đuổi chính sách “nước Mỹ trước tiên”, nên Washington đã yêu cầu các đồng minh đóng góp nhiều hơn cho các căn cứ của Mỹ ở khu vực. Điều này có thể Mỹ dễ hướng đến chiến lược “cân bằng khơi xa”, tức hạn chế can thiệp và để các nước lớn trong khu vực châu Á tự cân bằng quyền lực với nhau”.
“Giữa bối cảnh như vậy thì trong thời gian tới, các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản vẫn đóng vai trò quan trọng đối với việc Washington cam kết đóng góp vào Indo-Pacific. Và để thể hiện cam kết mạnh mẽ thì Mỹ có thể sẽ tìm kiếm các thỏa thuận để đặt thêm các căn cứ quân sự mới trong khu vực”, ông Sato nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.