Tăng cường tàu, xe, máy bay dịp lễ

20/08/2011 00:30 GMT+7

Do ngày nghỉ lễ 2.9 sắp tới liên tục với hai ngày nghỉ cuối tuần nên dự báo hành khách đi tàu, máy bay, xe đò sẽ tăng rất cao.

Một số hãng xe công bố không tăng giá vé trong dịp lễ 2.9 - ảnh: D.Đ.Minh

Khách đi xe đò tăng vọt

Ông Thượng Thanh Hải, PGĐ Bến xe Miền Đông (BXMĐ), cho biết: Lượng khách sẽ tăng cao hơn nhiều so với dịp lễ năm trước, tập trung chủ yếu các tuyến đường có cự ly ngắn và những khu vui chơi giải trí từ tỉnh Khánh Hòa trở vào phía Nam. Nhiều tuyến xe đi đến các trung tâm du lịch như Buôn Ma Thuột, Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết... được dự báo sẽ rất đông khách.

Ông Phạm Văn Thông, TGĐ Bến xe Miền Tây, dự báo lượng khách đi các tỉnh miền Tây trong dịp lễ này có thể tăng 10% so với năm ngoái. Dự kiến vào 2 ngày cao điểm (1 và 2.9) có thể đạt từ 30.000 - 32.000 khách/ngày. Những tuyến có lượng hành khách thường xuyên tăng cao là từ TP.HCM đi Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang và Cà Mau. Về phía doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách, đại diện DN Thiên Phú (hoạt động trên tuyến TP.HCM - Vũng Tàu) khẳng định sẽ không tăng giá vé trong dịp lễ, và sẽ quay đầu liên tục với khoảng 120 chuyến/đầu bến/ngày. Xe khách Phương Trang cũng sẽ tăng cường phục vụ khách trên các tuyến du lịch như Nha Trang, Mũi Né (Phan Thiết), Đà Lạt,...

Dự báo, trong 4 ngày từ 1-4.9, BXMĐ đón khoảng 108.000 khách và cần đến 5.277 lượt xe. Cao nhất là ngày 1.9 sẽ có 34.100 khách, cần 1.516 xe để phục vụ. BXMĐ yêu cầu các DN xe khách có nhu cầu phụ thu giá vé để bù chiều xe chạy rỗng cần lập hồ sơ kê khai giá cước gửi các cơ quan chức năng. BXMĐ đề nghị được phụ thu 30% giá vé khi sử dụng vé do TCT cơ khí GTVT Sài Gòn hoặc do BXMĐ phát hành để bán cho các xe tăng cường trái tuyến, xe chạy hợp đồng, xe buýt giải tỏa khách trong dịp lễ Quốc khánh.

Ông Lê Huy Thảo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dòng Sông Xanh (Greenlines) cho biết công ty sẽ tăng chuyến tàu cánh ngầm tuyến TP.HCM - Vũng Tàu thêm 30-40 chuyến/ngày trong dịp lễ này.

Tàu tăng chuyến, nối toa

Ông Đinh Văn Sang, Phó TGĐ Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, cho biết nhu cầu đi lại dịp lễ này tăng chủ yếu trên 2 tuyến du lịch là Sài Gòn - Nha Trang và Sài Gòn - Phan Thiết. Trên cả 2 tuyến này, công ty đều đã có kế hoạch tăng chuyến và nối thêm toa. Cụ thể, ngoài các đoàn tàu địa phương SH1/2 (Sài Gòn - Huế), SQN1/2 (Sài Gòn - Quy Nhơn), SNT1/2 (Sài Gòn - Nha Trang), SPT1/2 (Sài Gòn - Phan Thiết), công ty đã lên kế hoạch chạy thêm 3 đoàn tàu là SN3/4, SN5/6, SN7/8, từ Sài Gòn đi Nha Trang và ngược lại vào ngày 1.9 đi tại ga Sài Gòn và về ngày 4.9 tại Nha Trang. Tàu Sài Gòn - Phan Thiết PT3/4 chạy thêm các ngày từ 1-4.9.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng ga Sài Gòn, tuyến Sài Gòn - Nha Trang hiện chỉ còn khoảng 400 chỗ của đôi tàu tăng cường SN8 (chiều đi) và SN7 (chiều về). Các đoàn tàu thường ngày SNT1/2 và các đoàn tàu tăng cường khác tuyến Sài Gòn - Nha Trang và ngược lại cũng đã hết vé ngày 1.9 (chiều ra) và 4.9 (chiều vào). Dù vậy, ông Đinh Văn Sang cho biết từ nay đến lễ còn nhiều thời gian chuẩn bị, nếu nhu cầu khách đi Nha Trang tăng cao, công ty sẽ có kế hoạch nối thêm toa trên các đoàn tàu Thống Nhất.

Trên tuyến du lịch đông khách thứ hai là Sài Gòn - Phan Thiết, theo ông Nguyễn Văn Thành, vé đã bán sạch trong những ngày trước. Nhưng nhờ vừa nối thêm 3 toa vào đoàn tàu SPT1/2 ngày 2.9, nên hiện còn khoảng 200 chỗ. Hành khách đi Phan Thiết có thể chọn đi vào ngày 1.9 vẫn còn nhiều chỗ, hoặc chọn tàu chạy đêm PT3/4, hiện còn trên 100 chỗ vào đêm 1.9 và còn rất nhiều chỗ vào đêm 2.9. Tuyến Sài Gòn - Quy Nhơn nhu cầu cũng tăng cao, hiện chỉ còn khoảng 80 chỗ.

Hàng không sẽ tăng tải

Vietnam Airlines cho biết trong dịp cao điểm lễ 2.9, trên cơ sở cân đối, huy động tối đa nguồn lực, hãng đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng để tăng tải, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Việc tăng tải tập trung vào 9 đường bay trục và du lịch có nhu cầu cao (các điểm đến Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc..) trong thời gian từ ngày 30.8 đến 5.9.

Còn theo đại diện của 2 hãng hàng không Air Mekong và Jetstar Pacific, cho đến thời điểm này, nhu cầu mua vé đi lại trong dịp lễ 2.9 sắp tới của hành khách có tăng, nhưng không quá căng thẳng, nhiều chuyến vẫn còn chỗ.

Hà Nội: Không lo thiếu vé

Công ty quản lý bến xe Hà Nội dự kiến, lượng khách có thể tăng cao vào chiều 1.9, sáng 2.9 và lượt về Hà Nội ngày 4.9. Công ty sẽ tăng cường thêm gần 200 chuyến xe, đồng thời phối hợp với các đơn vị bổ sung phương tiện vận tải dự phòng giải tỏa khách tại chỗ. Lượng xe dự kiến tăng cường cho bến Giáp Bát là 80 xe, bến Mỹ Đình tăng 85 xe, bến Gia Lâm tăng 25 xe. Công ty cũng sẽ phối hợp với các đơn vị vận tải hoạt động trên các tuyến có cự ly dưới 300 km, tổ chức điều động phương tiện hoạt động theo biểu đồ hàng ngày và dự phòng một số phương tiện nhằm giải tỏa khách trong ngày cao điểm.

TCT vận tải Hà Nội cũng có kế hoạch tăng tần suất chuyến xe buýt, bố trí xe dự phòng nhằm đảm bảo giải tỏa khách về bến kịp thời.

Theo bà Phùng Thị Lý Hà, Phó trưởng ga Hà Nội, lượng khách đi tàu dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi ngày thường, khoảng 14.000 - 15.000 khách/ngày. Ga Hà Nội đã lên kế hoạch nối toa, tăng chuyến, nhưng sẽ dựa trên lượng khách đặt mua vé từ nay đến 2.9 để có phương án cụ thể.

Đảm bảo giao thông thông suốt

Ông Nguyễn Văn Công, người phát ngôn Bộ GTVT cho biết, Bộ sẽ có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan và các tổng công ty như Vietnam Airlines, TCT đường sắt tăng chuyến, đảm bảo giao thông thông suốt trong dịp lễ. “Nguyên nhân sâu xa của việc quá tải, ùn tắc vẫn là do nhu cầu đi lại tăng đột biến, vượt quá khả năng vận tải. Nhưng việc này là không thể tránh khỏi, để giải quyết triệt để rất khó và cũng không thể xử lý được như ngày thường. Điều này không chỉ riêng VN mà nước nào cũng thế. Tôi từng chứng kiến tại Hàn Quốc, ngày rằm tháng 8, ùn tắc kéo dài cả 400 km”, ông Công nói.

Các DN thường chỉ dự trữ phương tiện đủ, đề phòng trường hợp hỏng hóc, chứ không thể dự trữ phương tiện chỉ để phục vụ mấy ngày lễ tết, rồi sau đó đắp chiếu. Biện pháp duy nhất là tăng vòng quay chuyến, tăng tần suất khai thác.

M.Hà

Thiệt hại cho ngành du lịch

Làm gì để cải thiện tình trạng cứ đến lễ, tết là tàu xe quá tải?

Cần chủ động ứng phó

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt, bức xúc cho biết chuyện quá tải đi lại dịp lễ tết đã trở thành điệp khúc nhiều năm qua và gần như ngành giao thông chưa có biện pháp nào khả dĩ để cải thiện. Theo ông Mỹ, đây chính là một trong nhiều điểm nghẽn của ngành du lịch. Bởi việc kinh doanh của hãng lữ hành nhiều khi chỉ ăn nên làm ra trong các ngày lễ lớn. Vào dịp lễ mà không khai thác được tối đa lượng khách là coi như thất bại. Nhiều đoàn khách đặt tour đi chơi lễ, nhưng công ty phải cắn răng từ chối vì số vé máy bay, vé tàu lửa hạn chế. Nhất là những tour trọng điểm như Phú Quốc, Côn Đảo, Nha Trang... hết vé là chuyện thường.

TS Trần Đình Bá - Hội Khoa học kinh tế VN - nhận xét, việc quá tải tàu xe, máy bay... dịp lễ tết không phải chuyện mới, nằm ngoài dự đoán. Tình trạng này xảy ra có chu kỳ, có quy luật, hoàn toàn có thể tính toán trước, chuẩn bị trước, nhất là dự đoán tương đối số lượng khách đi về các địa phương. Nếu có sự chuẩn bị tốt, ngành giao thông có thể tổ chức các phương tiện giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong các dịp này. Nhưng nhiều năm trôi qua, kịch bản cũ vẫn tái diễn, cứ mỗi dịp lễ tết đến là lại khủng hoảng thiếu phương tiện giao thông.

Giải pháp

Theo TS Bá, đương nhiên ngành hàng không, đường sắt... không thể đầu tư phương tiện để đáp ứng đủ nhu cầu đi lại cho những dịp lễ tết, còn ngày thường bỏ không, vì sẽ rất lãng phí. Tuy nhiên, cần có những đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, điều chuyển, sắp xếp phương tiện, tần suất hoạt động... sao cho phát huy hiệu quả phục vụ hành khách một cách cao nhất, hạn chế tình trạng quá tải dịp lễ tết.

Chẳng hạn, trong ngành hàng không, hoàn toàn có thể hạn chế tình trạng quá tải, khan hiếm vé bằng cách phân bổ lịch bay, điều phối giờ cất - hạ cánh và vị trí bãi đỗ máy bay một cách hợp lý, tạo điều kiện cho các hãng hàng không tăng tần suất bay.

"Về lâu dài, chuyện căng thẳng tàu xe có thể được cải thiện khi thực hiện tốt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bởi thực tế, nhu cầu đi lại dịp lễ tết phản ánh quy luật chuyển dịch của người dân từ khu vực nông thôn ra thành thị. Cứ dịp lễ tết, người dân địa phương lại có nhu cầu về quê và sau lễ tết thì trở lại TP. Tình trạng này đã trở thành bài toán khó giải trong cân đối kế hoạch vận chuyển hành khách của các doanh nghiệp vận tải, bởi nhu cầu tập trung quá cao vào một thời điểm. Chưa kể, bao giờ cũng có một chiều rất đông khách, thậm chí quá tải, còn chiều ngược lại hầu như không có khách. Dòng người dịch chuyển phản ánh sức hút lao động của từng vùng miền. Do vậy, chỉ đến khi khắc phục được sự thiếu cân đối, không đồng đều giữa các vùng miền thì mới hạn chế được sự chuyển dịch lao động quá lớn mà hậu quả dễ thấy nhất là tình trạng người dân khốn khổ vì quá tải tàu xe mỗi dịp lễ tết" - ông Bá phân tích.

Tuấn Đạt - Trần Tâm

Mai Vọng - Đình Mười

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.