Hội thảo quốc tế về an ninh hàng hải ở biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức tại Washington đã kết thúc vào tối 21.6 (rạng sáng qua, giờ VN). Trong ngày cuối của hội thảo, các chuyên gia đánh giá tính hiệu quả của các cơ chế an ninh trên biển hiện có, từ đó đề xuất chính sách tăng cường an ninh khu vực, theo website chính thức Csis.org/event/maritime-security-south-china-sea.
Đánh giá về các cơ chế hiện có để giải quyết tranh chấp ở biển Đông, giáo sư Peter Dutton của Đại học Hải quân Mỹ cho rằng hiện có hai cơ chế là Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC). “UNCLOS nói rõ rằng tuyên bố về quyền tài phán của một quốc gia đối với tài nguyên phải dựa trên yếu tố địa lý của đường bờ biển. Việc Trung Quốc tuyên bố quyền tài phán trong đường 9 đoạn mà không đề cập các đặc điểm địa lý từ bờ biển hay đường cơ sở là vi phạm căn bản luật quốc tế”, ông Dutton nói.
|
Qua đó, ông Dutton nhấn mạnh rằng đường 9 đoạn, hay đường lưỡi bò, là một trong những nguồn chính gây căng thẳng trên biển Đông. Liên quan đến DOC, Giám đốc Chính trị và An ninh của Ban Thư ký ASEAN là ông Termsak Chalermpalanupap cho biết ASEAN đã 20 lần đưa ra dự thảo về hướng dẫn thực hiện DOC nhưng đều bị Trung Quốc từ chối và hiện ASEAN đang chuẩn bị dự thảo thứ 21.
Trong khi đó, Ernest Bower, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ASEAN chiếm vai trò dẫn dắt quá trình giải quyết hòa bình và hợp lý tranh chấp tại biển Đông để hướng đến mục tiêu vì một châu Á thống nhất và thịnh vượng. Ông Bower khẳng định ASEAN hoàn toàn có vị trí chiến lược để dẫn dắt thay đổi quan trọng đó và điều mà ASEAN cần hiện nay là quyết tâm chính trị, tăng cường hợp tác và thể chế hóa các cấu trúc khu vực. Chuyên gia này cũng đưa ra một số ý tưởng giải quyết xung đột tại biển Đông. Theo ông, cần tăng cường sự minh bạch giữa các bên, củng cố các thể chế ASEAN và thực hiện chính sách ngoại giao năng động hơn về vấn đề biển Đông. Ông Bower đề xuất ASEAN có thể xem xét cử phái đoàn đến EU và Mỹ, thuyết phục các bên ủng hộ các điều khoản như UNCLOS.
Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam Đặng Đình Quý cho rằng các bên cần thúc đẩy hợp tác về biển và quân sự dưới hình thức tuần tra chung, diễn tập chung với sự tham gia của Trung Quốc, ASEAN và các nước có liên quan đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch và thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin.
Trong một diễn biến khác, AFP dẫn lời Tổng thống Philippines Benigno Aquino III kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và các công pháp liên quan trong vấn đề biển Đông.
Trao đổi với Thanh Niên qua thư điện tử, một số học giả quốc tế tham dự hội thảo của CSIS cũng nhất trí rằng ASEAN cần tích cực tham gia giải quyết tranh chấp ở biển Đông, đồng thời chỉ trích các tuyên bố và hành động vô lý của Trung Quốc. GS Stein Tønnesson, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế (Na Uy): Hội thảo đã có những phiên thảo luận thẳng thắn và cho phép đơn vị tổ chức là Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế đưa ra một số đề xuất đối với Chính phủ Mỹ. Hầu hết đại biểu nhất trí rằng ASEAN cần đóng vai trò tích cực hơn trong việc giải quyết căng thẳng hiện nay ở biển Đông, hay chí ít là tiến tới xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông (COC). Cũng tại hội thảo, có rất nhiều ý kiến chỉ trích gay gắt các hành vi quấy rối của Trung Quốc đối với Việt Nam và Philippines vừa qua. Các đại biểu cũng cho rằng Mỹ nên có quan điểm rõ ràng hơn đối với vấn đề biển Đông. GS Peter Dutton, Đại học Hải quân Mỹ: Theo tham luận của một học giả Trung Quốc tham dự hội thảo thì nước này tự cho phép mình tuyên bố chủ quyền trên biển Đông bằng cách đặt ra những điều khoản không có trong UNCLOS. Tôi cho rằng đây chính là một điểm gây mâu thuẫn trầm trọng hiện nay tại biển Đông. An Điền |
Thụy Miên - TTXVN
Bình luận (0)