Mất 713.000 tấn lúa do hạn, mặn
Theo Bộ NN-PTNT, vụ lúa đông xuân 2015 - 2016, ĐBSCL xuống giống hơn 1,57 triệu ha (tăng 10.000 ha), sản lượng đạt 10,4 triệu tấn, giảm tới 713.000 tấn so vụ đông xuân 2014 - 2015. Nguyên nhân khiến sản lượng giảm mạnh là do hạn hán và mặn xâm nhập dữ dội ảnh hưởng khoảng 93.989 ha lúa, trong đó diện tích bị thiệt hại lên đến 85.000 ha. Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết chưa năm nào sản xuất lúa đông xuân lại gặp khó khăn như năm nay. Hạn và mặn đến sớm, xâm nhập sâu làm nhiều diện tích lúa đang trổ bông hoặc sắp chín… bị héo lá, lép hạt, chết tràn lan. Ước tính diện tích lúa mùa và lúa đông xuân bị thiệt hại khoảng 56.500 ha, cao nhất từ trước đến nay.
Còn ông Nguyễn Văn Lâm (ngụ ấp An Nhơn, xã Vĩnh An, H.Ba Tri, Bến Tre) chua chát: “Nhiều năm làm ruộng nhưng chưa bao giờ đối mặt với hạn, mặn khốc liệt như năm nay. Ruộng lúa đông xuân của gia đình tôi được 1,5 tháng tuổi thì bị nước mặn xâm nhập. Thấy vậy, tôi liền đắp đập ngăn lại nhưng do nắng nóng kéo dài làm ruộng đồng khô cạn, nứt nẻ… khiến lúa chết la liệt. Cuối cùng đành phải cắt lúa chết mang về cho… bò ăn”. Theo ông Nguyễn Văn Xem, Trưởng ấp An Nhơn, không riêng gì ông Lâm mà hạn, mặn còn làm ruộng lúa của nhiều nông dân khu vực này thiệt hại 100%. Lúa chết làm nhiều hộ lâm vào cảnh khốn khó.
Trông cậy vào vụ thu đông
Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục phó Cục Trồng trọt, cho rằng do diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại quá nhiều dẫn đến sản lượng lúa giảm mạnh nên Bộ NN-PTNT có chủ trương tăng diện tích sản xuất và tăng năng suất của các vụ còn lại trong năm 2016 (chủ yếu là vụ hè thu và thu đông). Theo đó, kế hoạch gieo sạ vụ hè thu năm 2016 khoảng 1,65 triệu ha, năng suất ước 5,59 tấn/ha (tăng 0,14 tấn/ha); sản lượng hơn 9,2 triệu tấn, tăng 134.000 tấn so với vụ hè thu 2015. Trong những ngày qua nông dân các tỉnh đã xuống giống khoảng 1 triệu ha lúa hè thu. Hiện tại đã có mưa một số nơi, nên từ nay đến cuối tháng 5 sẽ tập trung xuống giống những vùng bị khô hạn (cách biển 50 km) ở phía Nam (Long An); phía Đông (Tiền Giang); các huyện Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại (Bến Tre); huyện Long Phú, Trần Đề, Thạnh Trị (Sóc Trăng); Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên (Kiên Giang)... Sang tháng 6 sẽ gieo sạ dứt điểm ở các vùng chịu ảnh hưởng nước trời của tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu…
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT còn chủ trương sản xuất vụ thu đông năm 2016 với hơn 900.300 ha, tăng 57.160 ha, năng suất ước 5,5 tấn/ha; sản lượng mang về 4,96 triệu tấn, tăng 361.000 tấn so vụ thu đông 2015. Để đảm bảo vụ thu đông thắng lợi, Bộ NN-PTNT cùng các tỉnh ĐBSCL tính toán lịch thời vụ hợp lý. Cụ thể, những vùng thuộc phù sa ngọt ở sông Tiền, sông Hậu, Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên gồm An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang thì chủ động xuống giống thu đông vào tháng cuối tháng 7, đầu tháng 8, với diện tích khoảng 550.000 ha. Đây là vùng tương đối thuận lợi cho sản xuất 3 vụ lúa/năm, không bị thiếu nước. Các vùng cách biển khoảng 70 km như ở Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang… sẽ bắt đầu xuống giống vào giữa tháng 8 đến đầu tháng 9 với diện tích hơn 200.000 ha; đây là vùng hơi khó khăn nên cần sử dụng giống lúa ngắn ngày để kịp thời vụ. Còn các vùng chịu ảnh hưởng nước trời tại khu vực ven biển, với hơn 150.000 ha gồm Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu… thì gieo sạ lúa ngắn ngày nhằm đảm bảo hài hòa giữa vụ thu đông 2016 và vụ đông xuân 2016 - 2017.
Theo Bộ NN-PTNT, nếu thực hiện hiệu quả vụ hè thu và thu đông như kế hoạch đề ra, thì sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL năm 2016 đạt khoảng 25,5 triệu tấn, giảm 400.000 tấn so năm 2015.
Bình luận (0)