Việc này tác động trực tiếp đến khoảng 20% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế.
Để đảm bảo bình đẳng
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện tại, đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn thực hiện mức giá ban hành từ năm 2006 và 2012 (là giá chưa tính đủ chi phí trực tiếp, chưa có tiền lương), thấp hơn mức giá khám chữa bệnh (KCB) do quỹ BHYT chi trả nên nhiều người chưa tham gia BHYT. Do đó, trong năm 2017, Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư quy định mức giá tối đa (gồm chi phí trực tiếp và tiền lương) áp dụng đối với người chưa có thẻ BHYT khi KCB. “Việc này là để bảo đảm bình đẳng, cùng một mức giá giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT, chỉ khác về chi trả: người có thẻ BHYT do quỹ BHYT chi trả (trừ phần đồng chi trả của một số đối tượng và một số dịch vụ, thuốc, vật tư không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT); người không có thẻ BHYT phải tự trả tiền. Khi đó, người dân sẽ thấy lợi ích của BHYT để tham gia BHYT”, bà Tiến nói.
tin liên quan
Từ chối thanh toán 100 tỉ đồng viện phí cho các bệnh viện ở TP.HCMNgày 6.1, ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, cho biết năm 2016 toàn TP có hơn 6,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt độ bao phủ 78%, vượt 1,3% kế hoạch Chính phủ giao.
Theo Nghị định 16 của Chính phủ, đến năm 2016 phải thực hiện mức giá tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương nên lộ trình thực hiện mức giá cho người chưa có thẻ BHYT hiện đang chậm hơn thời gian quy định. Bà Tiến cho rằng, giá dịch vụ y tế được tính đúng tính đủ (bao gồm cả phụ cấp và tiền lương của nhân viên y tế) đòi hỏi các bệnh viện (BV) đều phải công khai, minh bạch quyền lợi của người có thẻ BHYT để người dân biết và kiểm soát. “Bộ Y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có. Thậm chí, sẽ tiến tới thực hiện không thanh toán phí giường bệnh nếu BV để bệnh nhân phải nằm ghép nhiều”, bà Tiến nói.
Nâng cao chất lượng Khám chữa bệnh
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho biết: "Nhà nước sẽ chuyển phần ngân sách đang cấp cho các BV hiện nay (dự kiến khoảng trên 10.000 tỉ đồng/năm) sang hỗ trợ các đối tượng tham gia BHYT, do đó sẽ giúp thực hiện lộ trình BHYT toàn dân nhanh hơn".
Theo ông Liên, Bộ Y tế đã tích cực triển khai một số giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực đến người dân khi tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Cụ thể, Bộ đã có văn bản báo cáo Chính phủ và đề nghị các tỉnh thành lập lại quỹ KCB cho người nghèo để huy động nguồn lực hỗ trợ người nghèo khi KCB. Bộ này cũng sẽ huy động một số dự án ODA để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT. Các tỉnh khẩn trương hỗ trợ người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT.
tin liên quan
Giao lưu trực tuyến: Bảo hiểm Y tế toàn dân và quyền lợi người bệnhChương trình đề cập đến nhiều quyền lợi của người bệnh được điều chỉnh trong 2016 với các vấn đề về giá dịch vụ y tế được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán và thông tuyến bảo hiểm y tế.
Bộ trưởng Tiến cho biết, tăng giá dịch vụ y tế, các BV càng phải nâng cao chất lượng dịch vụ và tinh thần phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Trước hết, phải giảm tải vì bức xúc nhất của người dân là nằm ghép, 4 - 5 người ốm 1 giường bệnh, nằm gầm giường thì không thể hài lòng. Hiện, nằm ghép đưa vào tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng BV. Tới đây, nếu BV nào để bệnh nhân nằm ghép nhiều sẽ bị giảm số thẻ đăng ký KCB BHYT.
Bình quân mức giá có tiền lương (áp dụng từ 1.7.2016) tăng khoảng 18% so với mức giá chưa tính chi phí tiền lương, một số ít dịch vụ giá tăng 50 - 60%. Trong năm nay, mức giá này sẽ áp dụng cho mọi đối tượng khám BHYT và tự chi trả.
Mức điều chỉnh một số dịch vụ y tế (bao gồm phụ cấp và lương của nhân viên y tế):
Giá khám:
- Từ 20.000 đồng/lần lên 39.000 đồng (áp dụng đối với BV hạng đặc biệt và hạng 1)
- Từ 25.000 đồng lên 35.000 đồng (áp dụng đối với BV hạng 2)
- Từ 10.000 đồng lên 31.000 đồng (áp dụng đối với BV hạng 3)
- Từ 7.000 đồng lên 29.000 đồng (áp dụng đối với BV hạng 4).
Giá giường bệnh điều trị nội khoa:
- Ngày điều trị hồi sức tích cực: Từ 354.000 đồng lên 677.000 đồng
- Ngày giường bệnh hồi sức, chống độc: Từ 169.000 đồng lên 362.800 đồng (đối với BV hạng đặc biệt) và từ 169.000 đồng lên 335.900 đồng (đối với BV hạng 1).
Giá ngày giường bệnh ngoại khoa (sau các phẫu thuật đặc biệt):
- Từ 164.000 đồng lên 306.100 đồng (đối với BV hạng đặc biệt)
- Từ 164.000 đồng lên 286.400 đồng (đối với BV hạng 1)
- Từ 135.000 đồng lên 255.400 đồng (đối với BV hạng 2).
Giá ngày giường cho các bệnh nhân sau phẫu thuật loại 4:
- Từ 94.000 đồng/ngày lên 197.300 đồng/ngày (đối với BV hạng đặc biệt)
- Từ 94.000 đồng lên 183.000 đồng/ngày (đối với BV hạng 1)
- Từ 65.000 đồng lên 125.550 đồng (đối với BV hạng 2)
- Từ 46.000 đồng lên 133.800 đồng (đối với BV hạng 3)
- Từ 39.000 đồng lên 127.000 đồng/ngày (đối với BV hạng 4).
Dịch vụ siêu âm:
- Từ 30.000 đồng lên 49.000 đồng
- Siêu âm doppler màu tim/mạch máu từ 171.000 đồng lên 211.000 đồng
- Siêu âm đầu dò 157.000 đồng lên 176.000 đồng
- Siêu âm tim gắng sức từ 537.000 đồng lên 576.000 đồng.
Dịch vụ chụp X-quang:
- Chụp X-quang phim thường từ 36.000 đồng lên 47.000 đồng
- Chụp X-quang phim 2 tư thế từ 42.000 đồng lên 53.000 đồng.
(Nguồn: Bộ Y tế )
|
Bình luận (0)