Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại hội thảo “Những biện pháp và điều kiện để ngành trà VN phát triển bền vững và hội nhập thành công” diễn ra ngày 26.12 ở TP Bảo Lộc.
Nguyên liệu chưa ổn định
Tiến sĩ Phạm S - Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Lâm Đồng, Phó chủ tịch Hội Khoa học công nghệ chè VN - cho biết: “VN là nhà sản xuất, xuất khẩu chè đứng thứ 5 thế giới, tuy nhiên giá trị xuất khẩu chè còn thấp so với mặt bằng chung của thế giới, nguyên nhân chính là do chất lượng sản phẩm chưa cao, chúng ta chưa quản lý được chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm”. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), diện tích chè VN có hơn 128 nghìn ha, năng suất bình quân trên 70 tạ búp tươi/ha và sản lượng chè búp tươi năm 2009 đạt khoảng 789.000 tấn; tổng lượng chè xuất khẩu 11 tháng 2010 ước đạt 122.000 tấn, kim ngạch đạt 180 triệu USD (xấp xỉ về lượng và giá trị tăng 10,2% so cùng kỳ). Hiện cả nước có 31 nhà máy với quy mô sản xuất lớn, 103 nhà máy có quy mô sản xuất vừa, còn lại là các cơ sở sản xuất chế biến nhỏ và các hộ gia đình tự chế. Qua kiểm tra 31 doanh nghiệp chế biến chè ở phía Bắc cho thấy, số cơ sở chế biến có đầu tư vùng nguyên liệu chiếm 35,5%, số cơ sở đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và trang thiết bị chiếm 45%... “Nhìn chung sản phẩm chè VN chưa đồng đều, chất lượng chè trung bình, chè chất lượng cao còn chiếm tỷ lệ nhỏ, hiệu quả sản xuất chè chưa cao” - đại diện Cục Trồng trọt nhận định.
Ông Đoàn Anh Tuân - Chủ tịch Hiệp hội Chè VN - nhìn nhận: “Chúng ta có quá nhiều cơ sở chế biến nhỏ, lại không có vùng nguyên liệu và không đảm bảo điều kiện sản xuất vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn đến tình trạng tranh mua nguyên liệu, cả nông dân và nhà sản xuất không quan tâm đến chất lượng và an toàn. Bên cạnh đó, các quy định về sản xuất chè an toàn đã có nhưng tổ chức chứng nhận chưa đủ năng lực và uy tín, ngay cả tiêu chuẩn VietGAP vẫn còn nhiều bất cập cần chỉnh sửa. Các sản phẩm chè VietGAP, chè an toàn chưa có thị trường, thậm chí chưa có phương án để hỗ trợ hay quảng bá sản phẩm này”. Cũng theo ông Tuân, quy mô sản xuất của hộ manh mún, kỹ thuật không đồng nhất, chưa tạo được mối liên kết bằng lợi ích kinh tế giữa người sản xuất nguyên liệu và cơ sở chế biến, tiêu thụ chè.
Phát triển chè bền vững
Theo TS Phạm S, chè là nông sản xuất khẩu hằng năm có giá trị cao; để khai thác hết tiềm năng của cây chè cần có sự phối hợp đồng bộ từ cơ chế chính sách, khoa học công nghệ, sự quyết tâm cao của nông dân, sự đam mê sáng tạo của các nhà khoa học, sự năng động của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất chuyển từ lượng sang chất. Theo Cục Trồng trọt, cần quy hoạch các vùng chè an toàn, xác định các vùng đủ điều kiện sản xuất chè an toàn, tập trung đáp ứng yêu cầu sản xuất an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) làm cơ sở đầu tư hạ tầng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chứng nhận chất lượng. Ngoài ra phải tăng cường công tác quản lý giống chè, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để sản xuất chè, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng và hiệu quả, đồng thời phải quản lý tốt các cơ sở chế biến chè cũng như việc phát triển cơ sở hạ tầng và có chính sách phù hợp.
Đời sống của người trồng chè, sự phát triển của cây chè luôn gắn chặt với thương hiệu và thế đứng của sản phẩm chè trên thị trường trong và ngoài nước. Theo ông Phạm Văn Án - Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng, việc phát triển các vùng chè nguyên liệu có năng suất và chất lượng cao, cũng như việc thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến áp dụng nghiêm ngặt các quy trình quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm cho cây chè là điều kiện không thể thiếu để phát triển chè bền vững. “Để người nông dân gắn bó với chè cũng như để ngành chè phát triển, ngoài sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, các nhà khoa học, thì người trồng chè và các doanh nghiệp chế biến cần phải xây dựng được mối liên kết bền chặt” - ông Án cho hay.
Gia Bình
Bình luận (0)