Mới đây, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP.HCM tổ chức họp mặt với khoảng 200 nữ cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở, nữ cán bộ công đoàn có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Bà Hoàng Thị Khánh, nguyên Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, nguyên Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, chia sẻ, góp ý về hoạt động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới bằng việc dẫn chứng về việc tăng giờ làm thêm cho công nhân, người lao động (NLĐ).
Một khu trọ đông công nhân, người lao động nghèo ở Q.Gò Vấp (TP.HCM) |
LÊ TRỌNG |
Theo đó, từ ngày 1.4.2022, người sử dụng lao động được sử dụng NLĐ làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm; trường hợp được sự đồng ý của NLĐ thì được sử dụng NLĐ làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng. Bà Khánh nói chính sách này là cần kíp trong bối cảnh nước ta đang tồn tại hai thực tế: NLĐ cần thêm thu nhập sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và doanh nghiệp đang cần phục hồi sản xuất.
Tuy nhiên, bà Khánh cũng bày tỏ không hài lòng khi một số trang thông tin cho rằng việc tăng giờ làm thêm cho NLĐ là “tin vui”.
Nhưng điểm mà tôi chú ý là khi bà chia sẻ: “Tôi đợi hoài không thấy tiếng nói của công đoàn đâu. Công đoàn suy nghĩ như thế nào khi giờ làm việc phải tăng thêm, hơn so với quy định - thứ mà chúng ta đã đấu tranh rất nhiều, rất lâu để luật hóa ngày làm việc 8 tiếng cho công nhân”.
Nguyên Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN tâm tư, chính sách này chỉ nên được xem là giải pháp tạm thời, bởi nếu không, sẽ rất nguy hiểm với NLĐ khi sức lực của họ bị vắt cạn.
Chia sẻ của bà Khánh có lẽ cũng là tâm tư của nhiều người làm chức trách bảo vệ quyền lợi của NLĐ.
Có cơ hội tiếp xúc nhiều với NLĐ, người viết nhận thấy công nhân không có sự lựa chọn nào khác ngoài tăng ca, bởi lương cơ bản không đủ sống. Họ âm thầm, lầm lũi giữa nhà máy và khu trọ. Những ngày tăng ca đến khuya về, họ không còn thời gian lo cho đời sống tinh thần. Vì thế, chúng ta không thể nào vui khi sức lao động bị vắt kiệt!
Bình luận (0)