'Tầng không hiện hữu' và những 'cú chạm' vô tình của họa sĩ Nguyễn Thành Nhân

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
21/12/2024 09:32 GMT+7

Xem các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thành Nhân, có thể thấy trừu tượng dường như chỉ là phương tiện để tác giả tạo nên một bức tranh sống động mà không cần phải mô tả hay sao chép sự vật, hiện tượng cụ thể nào.

Tối 20.12 tại Gallery Maii Art Space (số 72/7 Trần Quốc Toản, P. Võ Thị Sáu Q.3, TP.HCM), họa sĩ Nguyễn Thành Nhân đã khai mạc triển lãm Tầng không hiện hữu, trưng bày 25 bức tranh theo trường phái trừu tượng (diễn ra đến ngày 30.12).

Họa sĩ Nguyễn Thành Nhân sinh năm 1979, học thiết kế đồ họa Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật,  sau đó tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2010. Trước khi học mỹ thuật, anh là lính bộ binh Sư đoàn 5.

'Tầng không hiện hữu' và những 'cú chạm' vô tình của họa sĩ Nguyễn Thành Nhân- Ảnh 1.

Người xem chiêm nghiệm Tầng không hiện hữu

'Tầng không hiện hữu' và những 'cú chạm' vô tình của họa sĩ Nguyễn Thành Nhân- Ảnh 2.

Khi vô tình chạm phải mảng tường tróc sơn, anh phát hiện phía sau những lớp chồng chất màu đó có hơi thở của sự sống rất sinh động

Ảnh: Q.TRÂN

Đến với Tầng không hiện hữu sau 20 năm miệt mài lao động nghệ thuật của họa sĩ, người yêu mỹ thuật biết được, thì ra những tác phẩm được trưng bày triển lãm lần này được khai sinh từ những cái chạm phải vô tình của tác giả. 

Ví dụ như khi nhìn ra ban công từ lầu 3 của một phòng tranh, anh bắt gặp một công trình kiến trúc rất cũ - hơn 50 năm tuổi với thiết kế độc lạ. Các ô cửa sổ, lổ thông gió, mảng tường bong tróc loang lổ... đã đánh thức các giác quan, tạo nguồn cảm hứng sáng tác. Ở một lần khác, khi vô tình chạm phải mảng tường tróc sơn, anh phát hiện phía sau những lớp chồng chất màu đó có hơi thở của sự sống rất sinh động. 

Hay một lần gần nhất đi biển, giữa màu xanh vô tận của đại dương anh thấy thấp thoáng nhiều mảng trắng lấp lánh và lòng chợt reo vui vì biết những rạn san hô vẫn còn đang sinh sôi nảy nở, mang một sức sống mãnh liệt. Rồi khi ở trong căn phòng của một tòa nhà cổ kính, hay từ cửa sổ tầng áp mái nhìn xuống con đường ngắn, nhỏ, chạm phải những vệt nắng loang yên ả trong buổi trưa thưa người.

Dừng lại, lắng nghe và cảm nhận

Họa sĩ Phan Trọng Văn nhận xét: "Tầng không hiện hữu của họa sĩ Nguyễn Thành Nhân mang đến một trải nghiệm nghệ thuật sâu sắc, người xem có thể cảm nhận được sự mơ hồ giữa hiện thực và hư ảo. Cảm giác 'mọi thứ thấy đó mất đó, có cũng như không và ngược lại' chính là một trong những điểm nổi bật trong tác phẩm của Nhân, tạo ra một không gian nghệ thuật đầy triết lý và thiền định, về sự trống rỗng, nơi mà mọi thứ dường như không còn tồn tại một cách rõ ràng, tâm trí được giải phóng khỏi những ràng buộc của thực tại, cho phép người xem trải nghiệm một không gian tĩnh lặng".

Cũng theo họa sĩ Phan Trọng Văn: "Tầng không hiện hữu không chỉ là một khoảng trống vật lý mà còn là một không gian tâm linh, nơi mà những suy tư và cảm xúc có thể tự do bay bổng, giúp người xem quay về với chính mình, các tác phẩm không chỉ là những signal hình ảnh mà còn là những không gian để suy ngẫm và chiêm nghiệm. Người xem được mời gọi để dừng lại, lắng nghe và cảm nhận, tìm thấy sự bình yên, một bữa tiệc thị giác không chỉ dành cho mắt mà còn cho tâm trí".

'Tầng không hiện hữu' và những 'cú chạm' vô tình của họa sĩ Nguyễn Thành Nhân- Ảnh 3.

'Tầng không hiện hữu' và những 'cú chạm' vô tình của họa sĩ Nguyễn Thành Nhân- Ảnh 4.

'Tầng không hiện hữu' và những 'cú chạm' vô tình của họa sĩ Nguyễn Thành Nhân- Ảnh 5.

'Tầng không hiện hữu' và những 'cú chạm' vô tình của họa sĩ Nguyễn Thành Nhân- Ảnh 6.

Một số tác phẩm tuyển chọn của tác giả trưng bày tại triển lãm

'Tầng không hiện hữu' và những 'cú chạm' vô tình của họa sĩ Nguyễn Thành Nhân- Ảnh 7.

"Mỗi ngày, khi tôi đi ngang qua những bức tường và nhìn thấy những tàn tích, tôi dừng lại, quan sát, chạm vào, nhìn xuống bên dưới và khám phá nó từng chút một", họa sĩ Nguyễn Thành Nhân nói 

Ảnh: NVCC

Chia sẻ với PV Thanh Niên về triển lãm, họa sĩ Nguyễn Thành Nhân cho biết: "Không gian hiện hữu thể hiện những điều bình dị và quen thuộc xung quanh chúng ta. Cá nhân tôi thấy điều đó ẩn sau những lớp thạch cao hay những mảng tường. Tôi bắt gặp những dấu vết của thời gian và truyền tải nhiều thông điệp. Chính những bức tường đó đã quan sát và chứng kiến sự năng động trong cuộc sống. Mỗi ngày, khi tôi đi ngang qua những bức tường và nhìn thấy những tàn tích, tôi dừng lại, quan sát, chạm vào, nhìn xuống bên dưới và khám phá nó từng chút một. Thông qua triển lãm lần này, tôi muốn người khác cùng cảm nhận những trải nghiệm của tôi: đi dạo, dừng lại và chiêm nghiệm".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.