Việc kết nạp diễn ra giữa lúc nội bộ Mercosur đang gặp phải chuyện chẳng hay ho gì nhưng vẫn không mất đi tác dụng to lớn về chính trị, kinh tế, thương mại và hợp tác, liên kết khu vực.
Được thành lập năm 1991, Mercosur gồm có Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay. Venezuela được nhất trí kết nạp hồi năm 2006 nhưng khi đó chưa thể làm thành viên chính thức vì quốc hội Paraguay không phê chuẩn. Gần đây, Mercosur đình chỉ tư cách thành viên của Paraguay do quốc hội nước này phế truất Tổng thống Fernando Lugo. Vì thế, trở ngại đối với Venezuela không còn nữa.
Nói như thế để thấy nội bộ Mercosur vốn đang rạn nứt và việc kết nạp Venezuela có thể khiến bất đồng trong khối này càng sâu sắc hơn. Tuy nhiên, nhờ có thêm Venezuela, Mercosur sẽ tăng cường tiềm lực kinh tế và vị thế chính trị so với trước đây.
Đó là vì Venezuela có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và giữ vai trò thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Ngoài ra, Venezuela có ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực nên có thể giúp tìm kiếm đồng thuận và đoàn kết ở đây.
Kết nạp Venezuela là lần đầu tiên Mercosur mở rộng tổ chức kể từ khi thành lập. Việc đó khẳng định vị thế và vai trò của Mercosur nhưng cũng cho thấy không thể tiếp tục khép kín tổ chức này. Mercosur cần mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu hợp tác và phát triển để trở thành hạt nhân, động lực liên kết toàn khu vực. Tăng lượng như thế sẽ giúp Mercosur thêm được chất.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)