Quý 1/2015, lao động làm công ăn lương ở VN có khoảng 19,8 triệu người. Theo nghiên cứu của Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại VN vào tháng 7.2015, có khoảng gần 55% người lao động làm công ăn lương đang làm việc tại nơi làm việc hiện tại từ dưới 5 năm.
Như vậy, đa số người lao động làm công ăn lương ở VN là lao động trẻ, thâm niên làm việc còn ngắn, họ đang có gia đình nên các nhu cầu của cá nhân, nhu cầu chăm sóc gia đình của họ sẽ chịu tác động trực tiếp, mạnh mẽ của mức lương họ được trả. Với lý do đó, các đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động VN đưa ra là có lý khi muốn có một mức lương tối thiểu (LTT) vùng mới đáp ứng tốt hơn các nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Trên cơ sở dự báo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 dưới 5% và mức tăng năng suất lao động bình quân khoảng 3,7% thì cần phải có điều chỉnh tiền lương ở mức hợp lý hơn. Nếu mức tăng LTT vùng theo đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động lên khoảng 16% thì đời sống của người lao động sớm được cải thiện, nhưng sẽ có những tác động như làm tăng giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) và có thể DN phải thu hẹp sản xuất. Ngược lại, mức tăng thấp dưới 10% như đề xuất của Phòng Thương mại - Công nghiệp VN thì đời sống của người lao động sẽ tiếp tục gặp khó khăn và không khuyến khích được tăng năng suất lao động, chậm thực hiện lộ trình đảm bảo mức tiền LTT bằng nhu cầu sống tối thiểu. Do đó, để đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động, DN, nhà đầu tư và đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước, mức tăng tiền LTT theo 4 vùng năm 2016 tăng 10% - 12% là hợp lý.
Việc điều chỉnh tiền lương là một kênh quan trọng để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, giảm bớt các mâu thuẫn, tranh chấp, đình công. Cơ chế xác định mức tiền lương phù hợp trả cho người lao động không chỉ nằm ở việc điều chỉnh mức tiền LTT vùng do Chính phủ quy định, mà còn cả ở cấp độ DN hoặc cấp ngành và do sự thương lượng về mức lương hợp lý giữa người lao động và người sử dụng lao động khi giao kết hợp đồng lao động. Để việc điều chỉnh tiền LTT vùng không quá căng thẳng, trái chiều nhau như hiện nay, Chính phủ cần tiếp tục có các biện pháp hiệu quả nâng cao trình độ đào tạo nghề, kỹ năng nghề cho lực lượng lao động và phát triển các ngành nghề trong lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Điều này còn có ý nghĩa quan trọng giúp VN tránh được bẫy thu nhập trung bình mà nhiều quốc gia đang phát triển gặp phải. Đối với DN, cần tăng cường cơ chế đối thoại, thương lượng tập thể để giải tỏa các mâu thuẫn, tranh chấp trong các vấn đề liên quan đến tiền lương; xây dựng các cơ chế khuyến khích tăng mức tiền lương trả cho người lao động làm việc có hiệu quả tốt để tăng năng suất lao động...
Bình luận (0)