Tăng lương tối thiểu, lương hưu

06/04/2009 23:39 GMT+7

Theo Nghị định 33/2009/NĐ-CP ban hành ngày 6.4, từ ngày 1.5 tới đây mức lương tối thiểu chung sẽ tăng từ 540.000 đồng lên 650.000 đồng. Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng cũng được tăng thêm 5%. Nghe đọc bài

4 loại hình cơ quan, đơn vị, tổ chức được tăng lương

Mức lương tối thiểu 650.000 đồng/tháng được áp dụng đối với 4 loại hình cơ quan, đơn vị, tổ chức, bao gồm: các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; các công ty được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước và các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ được tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Cũng theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ, mức lương tối thiểu nói trên được dùng làm cơ sở để tính các mức lương trong hệ thống thang lương, bảng lương, mức phụ cấp lương và thực hiện một số chế độ khác theo quy định của pháp luật ở 4 loại hình cơ quan, đơn vị tổ chức trên; cũng như được dùng để tính trợ cấp kể từ ngày 1.5.2009 đối với lao động dôi dư theo Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26.6.2007 của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước và tính các khoản trích và các chế độ được hưởng tính theo lương tối thiểu chung.

Kinh phí thực hiện mức lương tối thiểu mới đối với các đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm từ các nguồn: tiết kiệm 10% chi thường xuyên đối với từng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trao đổi với Báo Thanh Niên, ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng mức tăng 20% lương tối thiểu như hiện nay phù hợp với mức lạm phát cũng như khả năng của ngân sách nhà nước. “Tôi cho rằng, khi ban hành quy định về mức lương mới, Chính phủ đã chuẩn bị đủ các điều kiện cần và đủ nên không có gì trở ngại cả. Chắc chắn, từ ngày 1.5 tới đây, người lao động sẽ nhận được mức lương mới” - ông Huân nói.

Thái Sơn (ghi)

Đối với các đơn vị sự nghiệp có thu, sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ. Riêng các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế sử dụng tối thiểu 35% số thu để lại theo chế độ. Sử dụng 50% số tăng thu ngân sách địa phương. Kinh phí thực hiện mức lương tối thiểu chung đối với người lao động làm việc trong các công ty do công ty bảo đảm và được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí sản xuất kinh doanh.

Tăng thêm 5% lương hưu, trợ cấp

Cũng trong ngày hôm qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2009/NĐ-CP điều chỉnh tăng thêm 5% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đối với các nhóm đối tượng, bao gồm: cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng; cán bộ xã, phường, quân nhân đã phục viên, xuất ngũ đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng.

Ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương nhận định, việc tăng lương trong thời điểm này cũng có thể coi là việc thực hiện kích cầu của Chính phủ, góp phần đảm bảo, nâng cao đời sống của cán bộ, công nhân viên chức. Do đó, các ngành liên quan sẽ nỗ lực để sớm ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định cũng như chuẩn bị nguồn kinh phí để người lao động sớm được hưởng lương mới.

Cũng trong các nghị định nói trên, Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, ngay từ lúc này, các ngành, cấp liên quan cũng phải chuẩn bị các phương án tránh “tát nước theo mưa”, tăng giá hàng hóa, dịch vụ một cách bất hợp lý, đi ngược chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Chuyên gia: Là giải pháp kích cầu

Việc điều chỉnh lương tối thiểu tăng lên hiện nay là thích hợp. Đáng lẽ việc này phải được thực hiện ngay từ đầu năm do trong năm 2008 chỉ số giá cả đã tăng nhanh. Giải pháp này sẽ góp phần kích cầu, ngăn chặn suy thoái kinh tế vì lượng tiền bù đắp tăng lương cũng lên đến vài ngàn tỉ đồng. Dù lực lượng lao động được tăng lương chỉ là một phần của xã hội nhưng nó có tác động lan tỏa đến nhiều ngành nghề khác. Chính phủ nên tiếp tục điều chỉnh tiền lương cán bộ công chức nhà nước để phù hợp điều kiện thực tiễn và điều này cũng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng hành chính sự nghiệp, chống tệ nạn như tham nhũng,...

(Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân
Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

Tăng lương mới thực sự là giải pháp kích cầu cho nền kinh tế vì người tiêu dùng đầu cuối có cơ hội chi tiêu để tạo ra sự tăng trưởng, kích thích sản xuất hàng hóa và tạo nên thu nhập trở lại cho người lao động. Nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp vừa qua nếu xét cho cùng là kích cung vì để sản xuất tạo ra hàng hóa nhưng sức cầu vẫn còn yếu. Hơn nữa cán bộ công chức mức lương còn thấp nên phải điều chỉnh tương ứng với sức lao động là hợp lý. Tuy nhiên việc tăng lương phải đi kèm yêu cầu cải cách hành chính, tăng năng suất lao động để nguồn tiền chi thêm không trở thành dôi thừa như câu chuyện lạm phát trước đó.

(Tiến sĩ Đinh Thế Hiển
chuyên gia tài chính tiền tệ)

Doanh nghiệp: Nên chậm về thời điểm

Ảnh hưởng của việc tăng lương tối thiểu sẽ rất lớn. Trong lúc này nó sẽ làm đội chi phí đầu vào của DN, tăng mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho công nhân. Theo tôi thì Nhà nước nên hoãn đến một thời điểm khác, khi nền kinh tế bắt đầu khởi sắc, lúc đó DN có tiền thì có thể tăng lương. Lúc này đầu ra còn đang rất khó khăn. DN nào có nhiều nhân công thì càng lâm vào tình trạng khó khăn.

(Ông Hoàng Vệ Dũng
Tổng giám đốc Công ty may Đức Giang)

Mai Phương - Như Nguyễn (ghi)

Bệnh viện: tăng khoản này thì phải giảm khoản kia

Giá mỗi lần khám bệnh ở Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM) quy định chỉ có 3.000 đồng - Ảnh: D.Đ.M

Trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề tăng lương sắp tới, bác sĩ Lý Lệ Thanh - Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM) nói: mỗi lần tăng lương, bệnh viện tự cân đối, lấy từ nguồn thu viện phí để dành chi trả cho khoản tăng lương.

Tiền lương thì “một cục” đã được phân bổ sẵn rồi, vì thế để tăng lương thì bệnh viện buộc phải giảm các khoản chi A, B, C, nghĩa là để tăng khoản này thì buộc phải giảm khoản kia - giảm chi tiêu, giảm mức khen thưởng... Một cái khó, theo bác sĩ Lý Lệ Thanh, đó là một số quy định về mức thu viện phí theo Thông tư 14 đã quá cũ rồi, không tăng được, nên khi tự chi trả cho phần tăng lương một số bệnh viện sẽ khó khăn hơn. Chẳng hạn, Thông tư 14 quy định giá mỗi lần khám bệnh chỉ 3.000 đồng. Bệnh viện Nguyễn Trãi với 800 y, bác sĩ, nhân viên, lần tăng này từ 540.000 đồng lên 650.000 đồng, nên khoản chi trả thêm sẽ rất lớn.

Bác sĩ Đỗ Hoàng Giao, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) thì cho biết: Ở những lần tăng lương trước, bệnh viện phải tiết kiệm độ 10% các khoản chi tiêu, để gói ghém dùng cho việc chi trả tăng thêm. Bệnh viện có 1.400 y, bác sĩ, nhân viên, ở lần tăng lương gần đây mức chênh lệch mức lương tối thiểu chỉ mới là 90.000 đồng, thì tổng số tiền chi trả tăng thêm khi đó đã lên vài tỉ đồng/năm. Bác sĩ Giao cũng nói thêm, do bệnh viện cũng có dự trù trước cho việc năm nay sẽ có đợt tăng lương, nên hy vọng sẽ tự trang trải, tính toán đâu vào đó được như những lần tăng lương trước.

Thanh Tùng

Thái Uyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.