(TNO) "Người Việt Nam dùng rượu rất nhiều. Nếu giao cho giám đốc xử phạt thì 10 giám đốc mới ký hết được quyết định phạt”, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Nghệ An lo lắng.
Cảnh sát giao thông xử phạt xe khách tại Quảng Bình - Ảnh: T.Q.N
|
Tại hội nghị lấy ý kiến về dự thảo nghị định thay thế nghị định 171 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt sáng nay 21.9, đại diện Cảnh sát giao thông tỉnh Nghệ An cho rằng, nhiều mức phạt đưa ra trong dự thảo cao, không khả thi. Cụ thể, với xử phạt hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, dự thảo đề nghị phạt tiền từ 8 - 12 triệu đồng với mức 2 (nồng độ cồn từ 50 - 80 miligam/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở), tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng (mức cũ phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng). Từ kinh nghiệm xử phạt vi phạm, ông này cho biết phần lớn người vi phạm nồng độ cồn đều ở mức 2, tuy nhiên, mức phạt 8 - 12 triệu đồng vượt quá thẩm quyền của lực lượng tuần tra trực tiếp, phải trình lên giám đốc. “Người Việt Nam dùng rượu rất nhiều. Nếu giao cho giám đốc xử phạt thì 10 giám đốc mới ký hết được quyết định phạt. Thực tế không áp dụng được, đề nghị quy định mức 8 triệu đồng như nghị định 171 trước đây”, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Nghệ An kiến nghị.
Cùng quan điểm này, thiếu tá Bùi Đức Thuận, Phó phòng Cảnh sát giao thông Hà Tĩnh cho rằng, việc tăng nặng mức xử phạt như trong dự thảo nghị định mới, với nhiều mức phạt vượt quá thẩm quyền của Phó phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng công an huyện…, phải trình lên giám đốc sẽ gây phiền hà lớn cho công tác xử phạt.
Theo ông Thuận, với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức 3, tước giấy phép lái xe 10 - 12 tháng cũng cần xem xét lại, bởi vì mưu sinh, lái xe có thể sẽ chạy chui lủi, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông hơn. Các mức phạt nên tuần tự, phù hợp với đời sống người dân và hợp lý cho lực lượng xử phạt. Đại diện lực lượng cảnh sát giao thông Hà Tĩnh cũng khuyến nghị, việc đề xuất tăng thẩm quyền xử phạt cho thanh tra giao thông cần được cân nhắc kỹ, tính toán hợp lý “đề phòng trường hợp nhà nhà xử phạt, người người xử phạt, phòng tránh tiêu cực xảy ra”.
“Không phạt được đưa vào làm gì”
Ông Đặng Thanh Phong, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Bắc Ninh bày tỏ băn khoăn khi cho rằng, 5 năm mà tới 5 lần sửa đổi nghị định xử phạt là khá nhiều. Với mức phạt 2 - 3 triệu đồng cho hành vi điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định, ông này cho rằng “không phạt được đưa vào làm gì”. Ngoài ra, ông Phong cũng không đồng ý mức phạt 3 triệu đồng với xe mô tô đi trên đường cao tốc. Vì thực tế làm đường cao tốc nhiều nơi không có đường gom cho xe máy đi, nếu xử phạt thì chẳng khác nào cảnh sát giao thông phải đối đầu với người dân.
Ông Hoàng Văn Đức, Phó phòng Cảnh sát giao thông Lạng Sơn đề nghị tăng mức xử phạt với các hành vi sử dụng ô, điện thoại khi đang điều khiển xe, vì đây là các hành động rất nguy hiểm, gây mất tập trung. Thượng tá Nguyễn Thành Viên, Phó phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Hà Nam cũng đồng thuận với việc tăng mức xử phạt với các nhóm hành vi gây nguy hiểm, làm tăng tai nạn giao thông, đặc biệt là các hành vi lỗi chủ quan như không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, vượt đèn đỏ, lái xe bỏ chạy hoặc đâm thẳng vào cảnh sát khi có hiệu lệnh dừng phương tiện. Ông Viên cũng đề nghị bổ sung xử phạt với vi phạm đưa tiền cho người thực thi công vụ như đã quy định trong Nghị định 167.
Đại diện cho lực lượng lái xe, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, tăng mức phạt để răn đe người vi phạm giao thông là đúng, nhưng phải cân nhắc phù hợp với khả năng chi trả của người dân vùng cao, miền núi. Đặc biệt, việc sửa nghị định cần tính kỹ, vì nếu không sát với thực tế sẽ sớm phải sửa đổi lần nữa, gây khó khăn cho chính lực lượng xử phạt.
Bình luận (0)