Tăng phụ cấp ưu đãi giáo viên: Mong được phê duyệt để nghề giáo đỡ 'chênh vênh'

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
29/05/2023 16:29 GMT+7

Thông tin Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ mới đây về việc Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đã thống nhất và trình Chính phủ tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non và tiểu học nhận được sự quan tâm đặc biệt và bình luận sôi nổi của bạn đọc.

Muốn giáo viên dạy tốt, học sinh giỏi nhưng lương giáo viên thì…

Ông Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT nhiều lần làm việc với Bộ Nội vụ và 2 bộ đã thống nhất trình Chính phủ tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non và tiểu học. Cụ thể, tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non là 10% và giáo viên tiểu học là 5%.

"Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính cho ý kiến trước khi có các bước tiếp theo. Ngày 12.5 vừa qua, tôi đã gửi văn bản chính thức sang Bộ Tài chính và hy vọng việc này sẽ được xử lý sớm…", Bộ trưởng Sơn thông tin.

Tăng phụ cấp ưu đãi giáo viên: Mong được phê duyệt để nghề giáo đỡ 'chênh vênh'   - Ảnh 1.

Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đã đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non 10% và giáo viên tiểu học 5%

THÚY QUỲNH

Rất nhiều bạn đọc (BĐ) đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới thông tin này, ý kiến ủng hộ rất nhiều nhưng đề xuất, phản biện cũng không ít.

BĐ tên Trúc Hồn Việt gửi đến bình luận và được rất nhiều BĐ khác đồng tình khi cho rằng: "Tôi là người có trình độ học vấn thấp, chỉ tới 12/12 nhưng tôi thấy ngành giáo dục không biết cách dùng binh, các ông chỉ muốn binh đánh thật hay, ra trận thật giỏi, mang về chiến thắng thật nhiều… nhưng đã nuôi binh chưa, đã biết dưỡng binh chưa?

Mong giáo viên dạy tốt, học sinh học giỏi, nhưng lương giáo viên hiện tại đã so được với mấy người công nhân đi làm công ty chưa? Đã so được với mấy bà bán hàng ngoài chợ chưa? Và thậm chí thua xa nhiều ngành nghề khác. Nhiều người suy nghĩ đơn giản rằng giáo viên dạy ngày chỉ 4 - 5 tiếng, mức lương 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng là cao hơn rất nhiều so với công nhân lao động làm 8 tiếng với mức lương 6 - 7 triệu đồng. Vậy, thời gian ở nhà soạn giáo án, chuẩn bị bài ai tính lương cho họ….

Dù là ngành nào thì cũng phải đảm bảo thu nhập ổn định cuộc sống thì con người đó mới sống tốt, có tinh thần sống và làm việc tốt được. Với mức thu nhập như vậy thì trăm nỗi lo đổ lên đầu, tinh thần đâu để chuyên tâm công việc nữa… Giáo viên học 4 năm đại học tốn không biết bao nhiêu tiền của và hy sinh cả thanh xuân, rồi cái mức lương nhận được tới khi nào mới thu hồi được vốn".

Cũng theo BĐ Trúc Hồn Việt: "Ngành giáo dục lẽ ra phải là ngành có mức thu nhập ổn nhất vì nó là ngành quan trọng nhất, là ngành mũi nhọn… nhưng lương giáo viên không bằng mấy sinh viên đi làm gia sư 1 - 2 giờ mỗi ngày. Ở thành phố thì giáo viên khá dễ dàng kiếm thêm thu nhập với việc mở lớp dạy kèm, nhưng ở nông thôn thì việc đó là bất khả thi"…

Tuy bình luận trên nhận được rất nhiều lượt "like" nhưng cũng nhận được ý kiến phản biện của BĐ tên Chu khi chỉ ra thực tế: "Lãnh đạo ngành giáo dục không có quyền quyết định lương giáo viên. Lương giáo viên phải đặt trong tổng thể lương bộ máy hành chính chung chứ không thể đòi hỏi một mình lương cao trong khi các ngành khác lương thấp".

Ở trường nhiều hơn ở nhà, lương thấp, cuộc sống chênh vênh

Không ít BĐ cũng bày tỏ thắc mắc tại sao Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ chỉ thống nhất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non và tiểu học mà không tăng cho giáo viên các cấp học khác hoặc nhân viên trong trường học.

BĐ Phong Nguyen viết: "Đi tìm một người lên tiếng cho lương nhân viên thật khó. Nhìn bảng lương thật buồn. Dù không cao bằng giáo viên nhưng cũng nên không chênh quá như vậy. Nhân viên còn không có việc làm thêm vì đã đi làm hết thời gian trong tuần".

BĐ tên Phan cũng cho rằng hiện nay thật sự bất cập cho nhân viên hành chính do họ không có chế độ nghỉ hè, lương thấp, phải làm việc kiêm nhiệm quá nhiều, còn phải đi cả ngày. 

Tuy nhiên, phần lớn ý kiến đều bày tỏ đồng tình cho rằng nếu trong điều kiện nguồn lực tài chính có hạn thì việc ưu tiên tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non là hoàn toàn chính đáng và phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của bậc học này.

Phản biện lại ý kiến giáo viên bậc học nào, ngành nghề nào cũng vất vả và cần quan tâm, BĐ Quyen Pham Le viết: "Cứ dạy mầm non một ngày là biết mệt hay không? Tôi dạy 20 năm lương chỉ gần 7 triệu đồng, nếu tôi không yêu nghề liệu tôi còn tiếp tục công việc của mình hay không? Nếu cứ đà lương như thế này thế hệ chúng tôi về hưu thì chắc chắn sẽ không có thế hệ trẻ thay thế để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non nữa".

BĐ Nguyễn Thị Kim Nguyệt cũng chia sẻ: "Tôi là giáo viên mầm non, thời gian làm việc của tôi từ 6 giờ 45 đến 17 giờ 30, ngày làm việc gần như 12 tiếng, đồng nghiệp bỏ nghề rất nhiều. Nhiều lúc chúng tôi thường nói chuyện đi làm vì niềm đam mê thôi chứ lương làm sao đủ sống, toàn chồng tôi nuôi. Gần 15 năm công tác mà lương giờ mới được 6 triệu, chưa kể nào là phí nọ phí kia các kiểu chứ có tháng nào cầm đủ 6 triệu về đâu"…

BĐ Trong Lich Nguyen bình luận với tư cách là một phụ huynh: "Ngày đầu tiên cho con đến trường mẫu giáo, dứt bước ra về là khóc um nguyên cả mấy lớp học. Mỗi lớp 2 cô phụ trách hai mươi mấy cháu, cô trò vật lộn nhau. Vất vả, quá là vất vả khi các cháu cứ "tự nhiên"... các cô phải dọn tất. Ban trưa cũng chẳng được nghỉ ngơi. Lại còn vẽ vời, trang trí này nọ... sức nào chịu nổi. Hy vọng nhà nước sớm xem xét quan tâm, có chính sách đãi ngộ xứng đáng cho các thầy cô bậc mầm non, tiểu học. Họ thật sự hy sinh quá nhiều".

Một số BĐ thì tỏ ra lo ngại khi Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ thống nhất đề xuất nhưng Bộ Tài chính và các bộ khác chưa đồng ý thì liệu chính sách ưu đãi kia có trở thành hiện thực hay không. Do vậy, cần có nhiều tiếng nói ủng hộ hơn nữa cho đề xuất này. 

BĐ Ngọc Nữ Danh Thị bày tỏ: "Hy vọng đại biểu Quốc hội hiểu cho sự vất vả, cực nhọc của giáo viên, đặc biệt là bậc học mầm non, thời gian ở trường còn nhiều hơn ở nhà nhưng mức lương thì quá thấp, cuộc sống chênh vênh".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.