Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, đã chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung liên quan chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tại kỳ họp Quốc hội rằng: "Bộ trưởng nói sửa luật theo hướng tăng quyền lợi và không hạn chế các quyền của người lao động (NLĐ). Vậy là tăng những quyền lợi gì để NLĐ an tâm hơn và suy nghĩ lại đối với các quyết định của mình?".
Câu hỏi của đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đi vào trọng tâm bối cảnh sửa đổi luật BHXH, bởi còn nhiều tranh luận xung quanh dự thảo sửa đổi luật, điển hình là vấn đề rút BHXH 1 lần.
Thống kê cho thấy trước năm 2019, mỗi năm có khoảng 500.000 người rút BHXH 1 lần, nay con số này tăng lên 900.000 người. Số rút BHXH 1 lần tương đương với số tham gia.
Nhưng đó không phải là vấn đề duy nhất được bàn luận. Báo chí đã liên tục cảnh báo những bất an của NLĐ khi nhìn thấy chính sách BHXH thay đổi, nguy cơ "mất trắng" số tiền nợ, trốn đóng BHXH… Trong khi đó, hiện vẫn chưa có cơ chế đủ mạnh để đảm bảo việc làm bền vững, tiền lương, lương hưu đủ sống cho công nhân lao động.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết đối với việc sửa luật BHXH, "chắc chắn phải tính một cách tổng thể các chính sách liên quan BHXH". Đó có thể là một hy vọng về sự đột phá trong chính sách lao động - việc làm trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng như câu hỏi mang tính nhận diện của đại biểu Thúy, tính tổng thể các chính sách là chính sách gì?
Chúng ta biết có 4 trụ cột cơ bản trong hệ thống an sinh xã hội VN: việc làm, BHXH - BHYT - bảo hiểm thất nghiệp; trợ giúp xã hội và các dịch vụ xã hội cơ bản. Điều quan trọng là phải nhìn rõ nội hàm các trụ cột này và những bức xúc dai dẳng của người dân vẫn chưa được giải quyết để có chính sách căn cơ. Nhưng dù thế nào, chính sách không nên đổi thay theo hướng siết chặt quản lý hay xem đó là sự "thi ân" với NLĐ yếu thế mà cần đổi mới theo hướng phục vụ và tạo nhiều dịch vụ hơn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân về an sinh xã hội.
Bình luận (0)