Theo VAFI, hiện tại một trong những biện pháp kích cầu có hiệu quả là tăng thêm "room" (tỷ lệ nắm giữ cổ phần tối đa) cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) trong lĩnh vực ngân hàng. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI cho biết: "Đây là một giải pháp kích cầu, để tăng cường huy động vốn vào TTCK và vào hệ thống ngân hàng thương mại".
Cũng theo thông tin từ VAFI, tất cả các tổ chức và cá nhân đầu tư nước ngoài (không phải là tổ chức tín dụng ngân hàng hay nhà đầu tư chiến lược) khi lập kế hoạch đầu tư vào Việt Nam đều mong muốn trong danh mục đầu tư của mình có các cổ phiếu ngân hàng, dù chỉ nắm giữ tỷ lệ thấp. Nhưng thực tế hiện nay, hầu hết các ngân hàng cổ phần đều muốn ưu tiên tỷ lệ "room" tối đa 30% cho các nhà đầu tư chiến lược. Vì thế, các quỹ đầu tư nước ngoài, cá nhân đầu tư nước ngoài rất khó có điều kiện và cơ hội đầu tư vào các ngân hàng cổ phần.
VAFI lập luận: Nếu như các quỹ đầu tư nước ngoài có cơ hội thuận tiện để đầu tư vào các ngân hàng cổ phần thì việc thuyết phục các nhà đầu tư quốc tế từ phía các công ty quản lý quỹ nước ngoài sẽ dễ dàng hơn. Việc nâng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN không chỉ làm tăng tỷ lệ huy động vốn của NĐTNN vào lĩnh vực ngân hàng mà còn tăng quy mô đầu tư của các quỹ nước ngoài vào TTCK và làm cho thị trường vốn của nước ta trở nên hấp dẫn hơn. Do đó, VAFI kiến nghị: Nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của các NĐTNN từ mức 30% như hiện nay lên 35 - 37%. Việc tăng "room" này đồng nghĩa với việc tăng tỷ lệ nắm giữ của các NĐT tổ chức trong một ngân hàng, làm cải thiện đáng kể tính tổ chức và tính ổn định trong cơ cấu cổ đông. Khi tỷ lệ sở hữu của các tổ chức trong nước và nước ngoài tăng lên thì quản trị doanh nghiệp sẽ được cải thiện đáng kể, đồng thời những tổ chức này sẽ đóng vai trò nòng cốt trong các chương trình huy động vốn của ngân hàng, nhất là cải thiện phương thức phát hành hiện nay và gia tăng phương thức phát hành riêng lẻ để tạo thặng dư vốn nhiều hơn...
Trong khi đó, ông Phan Minh Tuấn - Giám đốc Dragon Capital Hà Nội nhận xét: "Nhìn chung các quỹ luôn ủng hộ việc mở "room" cho các NĐTNN chứ không riêng gì với lĩnh vực ngân hàng. Tăng thêm "room" thì NĐT có nhiều sự lựa chọn hơn". Còn Chủ tịch HĐQT một công ty quản lý quỹ nêu quan điểm: "Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói là có biện pháp kích cầu nhưng kích cụ thể như thế nào? Theo tôi, có 3 giải pháp trước mắt là mở "room"; chỉnh sửa Chỉ thị 03 và Nhà nước tham gia thị trường với tư cách NĐT lớn".
Cũng theo ông này: "Hiện nay các NĐT trong nước đã cạn tiền, trong khi tiền nước ngoài sẵn sàng đổ vào, mình phải làm gì để hấp thu lượng tiền đó và giải pháp để hấp thu là phải mở "room". Mở "room", sau này người ta bán, mình lại mua lại. Nó giống như bất động sản, cho người nước ngoài mua, mua được chứ đâu có mang đi được, tài sản vẫn nằm trên đất VN. Vì thế, giải pháp đúng đắn trong lúc này là mở "room" nói chung chứ không chỉ mở "room" trong lĩnh vực ngân hàng". Ông này nhấn mạnh: "Thị trường đã phát đi tín hiệu là các NĐT đang chờ một động thái của Chính phủ. Ngay trước mắt, Chính phủ cần phải có động thái trước khi quá muộn. Quá muộn, NĐT rời sàn thì thị trường sẽ lâm vào khủng hoảng".
Xuân Toàn
Bình luận (0)