Tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng

16/12/2011 00:13 GMT+7

Có nên tăng thời gian làm thêm giờ của người lao động (NLĐ) hay không vẫn là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khi thảo luận những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi) tại phiên họp sáng 15.12.

Không nên dùng ngân sách cho quỹ bình ổn

Có nên tăng thời gian làm thêm giờ của người lao động (NLĐ) hay không vẫn là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khi thảo luận những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi) tại phiên họp sáng 15.12.

Như Thanh Niên đã thông tin, tại kỳ họp QH vừa qua khi thảo luận về quy định thời giờ làm thêm của dự thảo bộ luật này đã xuất hiện 2 luồng ý kiến khác nhau. Một bên đề nghị giữ nguyên quy định của bộ luật hiện hành: làm thêm giờ nhưng không quá 4 giờ/ngày, 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ/năm.

 
Hàng bình ổn giá thời gian qua được các chuyên gia đánh giá là tác dụng rất ít trong khi mỗi năm ngân sách chi mấy trăm tỉ đồng - Ảnh: D.Đ.M

Một bên đồng ý như dự thảo bộ luật sửa đổi, đó là tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày và không quá 30 giờ trong một tháng (tức 360 giờ/năm). Đến phiên thảo luận hôm qua vẫn chưa “chốt” được nội dung này. Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị để các ĐBQH thảo luận thêm tại kỳ họp tới để QH quyết định phương án phù hợp nhất. Về thời gian nghỉ thai sản, Ủy ban TVQH nhất trí tăng đồng loạt lên mức 6 tháng, không phân biệt lao động thường hay lao động làm việc trong môi trường độc hại.

Tương tự đối với luật Giá, sau khi thảo luận tại kỳ họp thứ 2 của QH vẫn còn 2 vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau. Đó là về quỹ bình ổn giá và thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn giá. Về quỹ bình ổn giá, cơ quan thẩm tra đưa ra 2 phương án xin ý kiến TVQH. Phương án 1, quỹ được hình thành từ các nguồn lực tài chính khác nhau, trong đó có trường hợp hỗ trợ từ nguồn dự phòng thuộc ngân sách nhà nước. Phương án 2, giao Chính phủ nghiên cứu tính hợp lý và quy định cụ thể bằng văn bản dưới luật.

Quá trình thảo luận tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng không nên tính một trong các nguồn sẽ trích lập cho quỹ bình ổn giá là từ dự phòng ngân sách, mà nên trích từ lợi nhuận của DN hoặc thông qua giá hàng hóa, dịch vụ, hoặc từ nguồn tài trợ bù đắp nào đó, “trừ khi có thiên tai địch họa gián tiếp tác động mạnh đến giá cả hàng hóa, dịch vụ mới tính đến phương án trích lập từ ngân sách dự phòng cho quỹ bình ổn”. Đề xuất này được rút ra từ thực tiễn sử dụng ngân sách vừa qua để hỗ trợ các DN bán hàng bình ổn giá mà theo ông Huệ, các chuyên gia đánh giá là “tác dụng rất ít, mỗi năm ngân sách chi mấy trăm tỉ đồng mà chỉ tác động phần ngọn, chỉ lợi cho DN, rất dễ bị lợi dụng”. “Cho nên, kết hợp từ chuyện này và nguồn hình thành quỹ bình ổn giá cho thấy, không nên đưa ngân sách vào quỹ bình ổn”, Bộ trưởng Huệ đề nghị.

Ngoài vấn đề lập quỹ bình ổn, qua thảo luận, TVQH cũng nhất trí với đề xuất của cơ quan thẩm tra về việc cần thiết quy định cụ thể các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, các mặt hàng Nhà nước định giá vào luật này; đồng thời, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhiều thành viên Ủy ban TVQH (đề xuất bổ sung thêm học phí trường công vào danh mục Nhà nước định giá, bỏ thuốc lá ra khỏi danh mục định giá...).

Đề xuất 13 nhóm hàng hóa thuộc diện bình ổn

Cơ quan thẩm tra đề xuất 13 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn, trong đó có xăng, dầu thành phẩm; muối hạt trắng; sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; đường ăn (đường trắng và đường tinh luyện); thóc, gạo tẻ thường; thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ Y tế quy định; cước vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng... 

Trong số 13 nhóm hàng hóa, dịch vụ đề xuất do Nhà nước định giá, có nhà ở xã hội và nhà ở công vụ; điện, dịch vụ truyền tải điện, dịch vụ điều hành bay; dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, dịch vụ đảm bảo hàng hải, dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt, vận chuyển bằng đường sắt; nước sạch cho sinh hoạt; dịch vụ khám chữa bệnh; xăng, dầu thành phẩm...

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.