Tại Việt Nam, thực hiện luật Phòng chống tác hại thuốc lá và cam kết FCTC, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm tuổi từ 13 - 17 tuổi giảm 50% (từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019); tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu trong nhóm tuổi từ 13 - 15 tuổi: giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Trọng Khoa, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) lưu ý, dù giảm tỷ lệ hút thuốc lá điếu trong giới trẻ nhưng có xu hướng tăng thuốc lá mới trong bối cảnh các tập đoàn thuốc lá tuyên bố thuốc lá nung nóng có tác dụng giảm hại, cai nghiện.
TS Khoa cho biết: "Các tập đoàn thuốc lá thường truyền thông họ là các công ty có trách nhiệm với cộng đồng, nhưng thay vì khuyên mọi người bỏ thuốc thì họ thường xuyên đưa ra thông điệp để khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn hoặc dùng loại thuốc lá thông thường hay dùng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Họ đưa ra hướng tiếp cận giảm tác hại của thuốc lá điếu thông thường bằng việc sử dụng thuốc lá nung nóng".
Nhưng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe đặc biệt là sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh thiếu niên; có các hóa chất độc hại và gây ung thư. Khói thuốc lá điện tử có chứa các chất độc hại gồm aceton, acrolein, acet-aldehyde, formaldehyde, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs), nitrosamine đặc trưng của thuốc lá (TSNA), và kim loại (nồng độ chì, crom, niken và fomandehit được tìm thấy trong một số khói của một số sản phẩm thuốc lá điện tử ở mức bằng và cao hơn thuốc lá điếu thông thường.
Khói thuốc lá nung nóng có chứa các hóa chất độc hại tương tự như khói thuốc lá điếu thông thường. Nồng độ một số hóa chất trong thuốc lá nung nóng thấp hơn thuốc lá điếu thông thường, nhưng nồng độ một số hóa chất khác lại cao hơn, và tạo ra những chất mới không có trong thuốc lá điếu thông thường, có khả năng gây hại cho sức khỏe. Các sản phẩm thuốc lá lai (kết hợp) giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng sẽ mang những đặc tính và khả năng gây hại của cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Tăng thuế và thực hiện các công ước khung
Theo TS Khoa, trên thế giới, nhiều trường hợp tổn thương phổi cấp tính và nghiêm trọng do thuốc lá điện tử đã được báo cáo (tính đến ngày 18.2.2020 đã có 2.807 trường hợp tổn thương phổi liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử, bao gồm 68 ca tử vong).
WHO kêu gọi các quốc gia cần có biện pháp "ngăn chặn việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về an toàn của thuốc lá điện tử , thuốc lá nung nóng" đồng thời các quốc gia cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá trong Công ước khung FCTC thay vì sử dụng các sản phẩm được gọi là ít hại.
Theo WHO, các biện pháp được nêu trong WHO FCTC nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng một cách tiếp cận nhằm giảm thiểu cả nhu cầu và nguồn cung thuốc lá thông qua nhiều biện pháp khác nhau. Có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy các biện pháp này bảo vệ hiệu quả người lớn và trẻ em, khỏi việc bắt đầu hút thuốc và tác hại liên quan đến thuốc lá.
FCTC cung cấp khuôn khổ cho các biện pháp kiểm soát thuốc lá, bao gồm áp dụng các biện pháp về giá và thuế để giảm nhu cầu thuốc lá, bảo vệ mọi người khỏi tiếp xúc với khói thuốc lá, cung cấp sự giúp đỡ để mọi người chấm dứt tình trạng nghiện thuốc lá, cảnh báo mọi người về tác hại của thuốc lá, cấm bán cho và bởi trẻ vị thành niên...
Bình luận (0)