Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia: Lộ trình để tránh 'cú sốc'

22/11/2024 15:28 GMT+7

Nhiều đại biểu ủng hộ việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, nhưng đề nghị có lộ trình phù hợp để tránh tạo cú sốc cho doanh nghiệp.

Sáng 22.11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Nhiều đại biểu ủng hộ việc tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá, rượu, bia, nhưng cho rằng cần có lộ trình phù hợp, tránh tạo cú sốc cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia: Lộ trình để tránh 'cú sốc'- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM

ẢNH: GIA HÂN

Theo đề xuất của Chính phủ, trước mắt sẽ giữ nguyên mức thuế suất 75% áp dụng với thuốc lá, nhưng bổ sung mức thuế tuyệt đối (100%) theo lộ trình từ năm 2026 - 2030. Trong đó, với thuốc lá điếu, mức tăng trên mỗi bao là 5.000 đồng (từ năm 2026), 6.000 đồng (từ năm 2027), 7.000 đồng (từ năm 2028), 8.000 đồng (từ năm 2029), 10.000 đồng (từ năm 2030).

Với xì gà, mức tăng trên mỗi điếu lần lượt qua các năm là 50.000 đồng, 60.000 đồng, 70.000 đồng, 80.000 đồng và 100.000 đồng. Tương tự với thuốc lá sợi, thuốc lào, mức tăng lần lượt trên 100g hoặc 100ml là 50.000 đồng, 60.000 đồng, 70.000 đồng, 80.000 đồng và 100.000 đồng.

Đối với mặt hàng rượu, bia, Chính phủ đề xuất mức thuế suất theo tỷ lệ phần trăm, tăng theo lộ trình từng năm từ 2026 - 2030. Trong đó, với rượu từ 20 độ trở lên, tăng từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95% và 100%. Với rượu dưới 20 độ, tăng từ mức hiện hành 35% lên 50%, 55%, 60%, 65% và 70%. Với bia, tăng từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95% và 100%.

Tăng thuế là cần thiết, nhưng tránh tạo cú sốc

Phát biểu tại tổ, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) ủng hộ lộ trình tăng thuế với thuốc lá và rượu, nhưng riêng với bia thì đề nghị cân nhắc. Bởi, chính sách thuế cần đảm bảo sự hài hòa giữa tăng thu ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu, quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

Dẫn chứng năm 2019, ngành bia đóng góp cho ngân sách hơn 56.000 tỉ đồng, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 năm vừa rồi giảm xuống gần 51.000 tỉ đồng. Số lao động trực tiếp trong lĩnh vực này cũng giảm mạnh.

Trong bối cảnh chưa thể phục hồi như trước đây, ông Ngân đề nghị có lộ trình tăng thuế một cách phù hợp với bia, tránh tạo cú sốc. Ông đề xuất giữ nguyên thuế suất 65% đến năm 2027, sau đó tăng khoảng 10% mỗi năm, để doanh nghiệp có thể tự tái cơ cấu, ổn định việc làm.

Vị đại biểu cũng cho rằng, để tỷ lệ sử dụng rượu, bia, ngoài chính sách về thuế còn có nhiều giải pháp khác rất hiệu quả. Điển hình như việc xử nghiêm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà có nồng độ cồn trong thời gian qua, kết quả mang lại rất lớn.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) nhận định khách du lịch nước ngoài rất sẵn lòng chi tiêu cho ẩm thực và đồ uống, bao gồm đồ uống có cồn. Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh nhờ giá cả phải chăng, nếu khai thác tốt sẽ là chiến lược để thu hút khách du lịch. Như tại Thái Lan, từ đầu năm nay quốc gia này đã giảm thuế đối với rượu nhằm kích cầu du lịch.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia: Lộ trình để tránh 'cú sốc'- Ảnh 2.

Đại biểu Âu Thị Mai, đoàn Tuyên Quang

ẢNH: GIA HÂN

Thuế quá cao có thể khiến ngân sách thất thu?

Chung mối quan tâm, đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) đề nghị lùi thời gian bắt đầu lộ trình tăng thuế đối với rượu, bia đến năm 2027, thay vì từ năm 2026 như dự thảo luật.

Theo bà Mai, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp rượu, bia trong và ngoài nước hiện đang gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh do người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Cùng với đó là áp lực về các loại thuế, phí…

Nữ đại biểu lo ngại nếu áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt quá cao có thể dẫn đến tác dụng ngược là thất thu ngân sách. Doanh thu sụt giảm buộc các doanh nghiệp rượu, bia phải cắt giảm kinh doanh, dừng hoạt động các nhà máy. Chưa kể, việc tăng thuế suất quá cao sẽ khiến người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các sản phẩm rượu, bia trái phép nằm ngoài sự quản lý của Nhà nước.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) phân tích thêm rằng, mục đích của áp thuế tiêu thụ đặc biệt là "đánh" vào hành vi, thuế cao sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc và uống rượu, bia. Việc tăng thuế là rất cần thiết, nhưng lộ trình tăng cần có độ giãn nhất định.

"Qua khảo sát thì thấy rằng rượu, bia phi chính thức, nhập lậu là nguyên nhân chính của các vụ ngộ độc, nên cũng cần công bằng với doanh nghiệp trong nước làm ăn nghiêm túc. Cần đánh giá đầy đủ tác động của việc điều chỉnh thuế", ông Hạ nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.