Tang thương mưa lũ, 29 người chết 21 người mất tích

12/10/2017 06:40 GMT+7

Theo số liệu của Văn phòng Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia, tính đến 17 giờ ngày 11.10, mưa lũ đã làm 29 người chết, 21 người mất tích và 14 người bị thương.

Chiều 11.10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp khẩn, bàn triển khai các biện pháp phòng chống mưa lũ. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, tình hình mưa lũ rất nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn hồ đập và tính mạng người dân.
Loa phát thanh liên tục cập nhật thông tin về tình hình xả lũ
Lần đầu tiên hồ Hòa Bình liên tục phải mở 8 cửa xả đáy. Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn T.Ư, dự báo trong 12 giờ tới lượng mưa đạt khoảng 50 - 100 mm, khu vực chủ yếu tại nam Sơn La, bắc Nghệ An, trọng tâm vùng Hòa Bình, Thanh Hóa, mưa dự báo cấp tập từ nửa đêm 11 đến sáng 12.10. Dự báo, ngày 12.10, lũ ở sông Mã sẽ trên báo động 3, tương đương mức lũ lịch sử năm 1980 và 2007 (xảy ra sự cố vỡ hồ Cửa Đạt). Cấp độ thiên tai giữa cấp 3, có thể nâng lên cấp 4 trên hệ thống sông Mã, rất nguy hiểm.
Người dân H.Thạch Thành (Thanh Hóa) sơ tán Ảnh: Minh Hải
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, lượng mưa ngày 9.10 rất đặc biệt, kết hợp 2 hoàn lưu kép tạo nên diện mưa rất rộng từ các tỉnh Bắc Trung bộ trở ra các tỉnh miền núi phía bắc. Thông thường tháng 10 rất ít mưa tại khu vực này, đây là dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu rất khôn lường. Mưa có nơi gấp rưỡi, gấp đôi lượng mưa bình quân, sáng sớm 11.10 mưa tại Mường La, Yên Bái, Lai Châu gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Hiện, 2.984 hồ từ Hà Tĩnh trở ra phía bắc đầy nước, với lượng mưa khoảng 20% số hồ tràn. Cảnh báo thiên tai đây là đợt lớn nhất trong nhiều năm về dạng hình mưa lũ lớn. Mưa cấp tập trong 2 ngày nên các con sông đều ở báo động 2 - 3. “10 năm nay chưa bao giờ hứng chịu mưa lớn dồn dập như vậy, như hồ Hòa Bình chỉ 2 ngày nước về tới 15.000 m3. Rất may lượng mưa ngày 12.10 dự báo tạm dừng, nếu không dung tích cắt lũ không còn. Điều hành các đơn vị rất hiệu quả, nhưng tình hình rất nguy hiểm vì lượng nước vào hồ Hòa Bình và Sơn La vẫn còn rất cao”, ông Nguyễn Xuân Cường nói và cho rằng, việc đảm bảo an toàn tại 31 hồ thủy điện cũng rất quan trọng, phải đảm bảo cao nhất an toàn công trình, cũng như tình huống xấu nhất cho đón lũ và cắt lũ.
Mưa lớn và nước lũ dâng ngập QL6 đoạn qua TT.Lương Sơn (H.Lương Sơn, Hòa Bình) khiến giao thông bị cô lập trong chiều 11.10 Ảnh: Quân Hậu
Sạt đê, sập cầu, sơ tán dân trong đêm
Theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN), Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), tính đến 17 giờ ngày 11.10, mưa lũ ở các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ làm chết 29 người và 21 người mất tích.
Tại Yên Bái, ông Phạm Quốc Hưng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và TKCN tỉnh này, cho biết 3 người chết đều ở H.Trạm Tấu, do bị lũ cuốn trôi và sập nhà. Nghiêm trọng nhất là sự cố nước lũ cuốn trôi làm sập, gãy 2 nhịp cầu Ngòi Thia (TX.Nghĩa Lộ). Trong đó có anh Đinh Hữu Dư, PV TTXVN thường trú tại Yên Bái, bị lũ cuốn khi đang tác nghiệp trên cầu. Cơ quan chức năng đã tổ chức tìm kiếm anh Dư và những nạn nhân khác nhưng chưa được do nước lũ quá lớn. Mực nước sông Hồng dâng cao cũng làm ngập nhiều tuyến đường ở TP.Yên Bái và 3 phường Yên Ninh, Nguyễn Thái Học, Hồng Hà; tuyến giao thông từ TX.Nghĩa Lộ lên H.Trạm Tấu bị cô lập do có trên 40 điểm bị sạt lở chưa thể khắc phục.
Ở Thanh Hóa, mưa to liên tục từ ngày 9 - 11.10 khiến lũ trên các sông lên nhanh, hàng nghìn nhà dân chìm trong nước. Tại các huyện Thạch Thành và Vĩnh Lộc, 3 ngày qua mưa bao phủ khắp nơi; nước sông Bưởi chảy qua 2 huyện này từ sáng 11.10 dâng cao, trên mức báo động 3. Hàng trăm nhà dân vùng ngoại đê sông Bưởi ngập nước từ 50 - 70 cm. Chính quyền địa phương phải phát lệnh sơ tán khẩn cấp gần 1.000 hộ dân đến nơi an toàn. Từ 19 giờ ngày 11.10, đê sông Bưởi qua xã Thạch Định (H.Thạch Thành) bị tràn dài 2 km, nước ngập vào nhà khiến hàng trăm hộ dân phải sơ tán trong đêm. H.Nông Cống ngập lụt ngày càng trầm trọng do xả lũ hồ Yên Mỹ, toàn huyện có 2.542 hộ dân bị ngập... Đến 17 giờ ngày 11.10, Thanh Hóa có 7 người chết, 6 người mất tích do lũ cuốn trôi. Lực lượng chức năng chưa tìm thấy 2 cán bộ, chiến sĩ biên phòng bị lũ cuốn trôi tại H.Lang Chánh.
Chiều 11.10, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thanh Hóa, cho biết trên sông Chu qua H.Thiệu Hóa, sông Bưởi qua 2 huyện Thạch Thành và Vĩnh Lộc nước đều trên mức báo động 3 và chỉ còn cách mặt đê từ 10 - 50 cm, nguy cơ tràn đê gây ngập diện rộng là rất cao.
Áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông, có khả năng thành bão số 11
Ngày 11.10, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã hình thành ở phía đông Philippines với sức gió mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60 km/giờ), giật cấp 9. Dự báo, ATNĐ di chuyển nhanh theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30 km. Đến 13 giờ ngày 12.10, tâm ATNĐ cách đảo Luzon của Philippines khoảng 240 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9 và có khả năng mạnh thêm trong khoảng 48 giờ tiếp theo.
Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan dự báo ATNĐ này sẽ mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông khoảng ngày 13.10, trở thành cơn bão số 11. Cơn bão này sẽ đổ bộ vào các tỉnh bắc miền Trung vào khoảng ngày 16.10.
Chí Nhân - Phan Hậu
Bằng mọi cách không để người dân bị đói
Ngày 11.10, Thủ tướng có công điện yêu cầu Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT; Ủy ban Quốc gia TKCN và các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ. Theo đó, UBND các tỉnh, TP tiếp tục kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán khẩn cấp các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét... Bằng mọi biện pháp tiếp cận các khu dân cư còn bị cô lập do ngập sâu, hỗ trợ sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói.
Đến trưa 11.10, Nhà máy thủy điện Hòa Bình phải duy trì đồng loạt 8 cửa xả lũ khiến người dân TP.Hòa Bình hoang mang khi mưa đổ như trút nước, còn dưới sông Đà, lũ cuồn cuộn chảy xiết và dâng cao. Trong ngày, UBND tỉnh Hòa Bình phải công bố tình trạng khẩn cấp do mưa lớn, đe dọa an toàn của nhiều công trình hồ đập. Ngay trên địa bàn TP.Hòa Bình, hệ thống loa phát thanh liên tục cập nhật thông tin về tình hình xả lũ. Chị Dương Thị Liễu, nhà ở P.Chăm Mát (TP.Hòa Bình), ngay cạnh đê sông Đà, cho biết: “Cứ khoảng 5 - 10 phút/lần, chính quyền lại phát loa thông báo để người dân không được chủ quan, luôn ở trạng thái sẵn sàng sơ tán khi có lệnh báo động”. Ghi nhận trong ngày 11.10, đoạn QL6 qua TT.Lương Sơn (H.Lương Sơn, Hòa Bình) nước lũ và mưa lớn cô lập trong nhiều giờ. Đoạn đường ngập sâu từ 0,8 - 1 m nước nằm ở tiểu khu 2, 3 tại TT.Lương Sơn. CSGT buộc phải phong tỏa con đường, hạn chế các phương tiện qua lại.
P.Hậu - L.Quân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.