Tăng tốc Vành đai 3

02/06/2023 06:32 GMT+7

Những ki lô mét đầu tiên của tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM đang dồn lực vượt tiến độ; Các địa phương quyết liệt chạy đua giải phóng mặt bằng; Vật liệu xây dựng dù vô vàn khó khăn vẫn xoay cho đủ đáp ứng nhu cầu của dự án… "giấc mơ 13 năm của TP.HCM" đang băng băng tiến độ.

Tăng ca ngày đêm vượt tiến độ cầu Nhơn Trạch

Những ngày cuối tháng 5, miền Nam bước vào mùa mưa. Thời tiết đang nắng chói chang, bất ngờ mưa ào ào nhưng không làm ảnh hưởng tới tinh thần quyết liệt của hàng trăm công nhân trên công trường xây dựng dự án cầu Nhơn Trạch. Khởi công vào 24.9.2022, cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A - xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) là một trong những ki lô mét đầu tiên của tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM. 

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận cho biết mùa mưa bão ảnh hưởng nhiều đến công tác thi công dự án, đặc biệt trong bối cảnh toàn bộ dự án phải thi công dưới nước, trên sông lớn. Những lúc mưa giông, gió giật lớn thì anh em công nhân phải tạm dừng thi công để đảm bảo công tác an toàn, cũng như chất lượng công trình. Tuy nhiên, với kinh nghiệm thi công của các nhà thầu và cùng sự tư vấn của đơn vị tư vấn giám sát nước ngoài (Hàn Quốc), các bên cũng đã xem xét có biện pháp liên quan để giảm thiểu sự ảnh hưởng và có kế hoạch dự phòng cho dự án.

Tăng tốc Vành đai 3 - Ảnh 1.

Thi công cầu Nhơn Trạch thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.HCM

NGỌC DƯƠNG

Cũng theo ông Thi, ngay sau khi dự án được khởi công, Ban QLDA Mỹ Thuận đã chỉ đạo nhà thầu huy động đầy đủ nhân lực, vật liệu và thiết bị để triển khai thi công ồ ạt trên toàn bộ công trường (phần đã có mặt bằng). Từ đó đến nay, các đơn vị đã triển khai làm việc tăng 3 ca - 4 kíp cả ngày lẫn đêm, làm xuyên lễ, Tết Nguyên đán. 

Kết quả, dự kiến hoàn thành vào tháng 9.2025, tiến độ lũy kế của dự án đến nay đã đạt 31,7/24,47% kế hoạch đã phê duyệt, vượt 127%. Gói thầu CW2 (đường dẫn 2 đầu cầu, dài 5.620 m) mới đây đã ký kết hợp đồng với nhà thầu ngày 28.3 và đang được triển khai thi công phía TP.HCM cùng 1 số đoạn tuyến đã có mặt bằng phía Ðồng Nai từ giữa tháng 5. Gói thầu này cũng dự kiến hoàn thành vào tháng 9.2025 để khai thác đồng thời cùng với Gói thầu CW1 nêu trên.

Tăng tốc Vành đai 3 - Ảnh 2.

Công trường thi công cầu Nhơn Trạch thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.HCM ngày 1.6

NGỌC DƯƠNG

Về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), toàn dự án đã bàn giao được 3.270/8.220 m, đạt 39,8%. Trong đó, phía TP.HCM đã bàn giao 100% mặt bằng cho dự án. Phía Ðồng Nai mới chỉ bàn giao mặt bằng được khoảng 1.350/6.300 m, đạt khoảng 21,4% bao gồm phần thuộc sông Ðồng Nai và đoạn tuyến đang vận động các hộ dân. Hiện nay, phía địa phương đang tích cực triển khai các công tác tiếp theo cho công tác GPMB. Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất là đang chậm chưa phê duyệt được đơn giá đất cụ thể nên chưa thể tiến hành phê duyệt phương án bồi thường GPMB, ứng vốn, tiến hành chi trả cho các hộ dân và bàn giao mặt bằng cho dự án.

Phía chủ đầu tư thông tin mặc dù chưa có đầy đủ mặt bằng, nhưng Ban QLDA Mỹ Thuận cũng đã và đang yêu cầu tất cả các nhà thầu nhận được mặt bằng đến đâu thì vẫn tập trung quyết liệt triển khai thi công đến đó, tranh thủ từng chút một khi có mặt bằng, đặc biệt là các vị trí có xử lý đất yếu là đường găng tiến độ của dự án.

Tăng tốc Vành đai 3 - Ảnh 2.

Đường Vành đai 3 TP.HCM chạy theo hình vòng cung: Bắt đầu từ cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua H.Nhơn Trạch (Đồng Nai); sau đó đi lên phía bắc, qua Q.9 (nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM); qua Dĩ An và Thuận An (tỉnh Bình Dương); qua H.Củ Chi (TP.HCM); qua H.Hóc Môn (TP.HCM); qua H.Bình Chánh (TP.HCM); điểm kết thúc là nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành (đoạn nút giao với cao tốc TP.HCM - Trung Lương tại H.Bến Lức, tỉnh Long An).

"Với tinh thần làm việc cao nhất, nhà thầu đang cố gắng hoàn thành phần phía TP.HCM sớm hơn so với hợp đồng, quyết tâm rút ngắn tiến độ theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trong đợt kiểm tra công trường dự án vào Tết Nguyên đán vừa qua. Tuy nhiên, mặt bằng là vấn đề rất quan trọng hiện nay, đặc biệt là phía tỉnh Ðồng Nai. Nếu dự án không được bàn giao đầy đủ mặt bằng trong tháng 6 thì rất khó để hoàn thành theo đúng tiến độ vì ngoài phần cầu lớn còn có phạm vi xử lý đất yếu đường dẫn cần thời gian gia tải dài", ông Trần Văn Thi nhấn mạnh.

Tự tin mốc khởi công 30.6

Trong ngày khởi công dự án cầu Nhơn Trạch, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, gọi đó là một sự khởi đầu tốt đẹp, gửi gắm hy vọng về những thành công tiếp theo cho cả dự án Vành đai 3. Những hy vọng của ông Phúc phần nào đã thành hiện thực khi cầu Nhơn Trạch ghi nhận vượt tiến độ, công tác chuẩn bị khởi công Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM cũng chứng kiến nhiều sự bứt phá.

Cụ thể, công tác tổ chức đấu thầu lựa chọn các nhà thầu xây lắp, tư vấn đã được đấu thầu qua mạng, dự kiến đến 18.6 sẽ hoàn tất thủ tục và tiến tới ký kết hợp đồng để khởi công công trình. Về phần mặt bằng, dù kế hoạch đặt ra là các địa phương phải bàn giao mặt bằng đợt 1 vào ngày 15.6 để phục vụ khởi công dự án nhưng tốc độ được các địa phương đẩy nhanh ngoài mong đợi. 

Tính đến chiều 31.5, đã có 299,9/410 ha diện tích đất được thu hồi, đạt tỷ lệ gần 73%, đủ điều kiện khởi công. Có những địa phương ghi nhận tốc độ bứt phá rất nhanh như H.Hóc Môn tính cho cả dự án đã đạt 91%; H.Bình Chánh bứt phá lên 79%; H.Củ Chi cũng đạt suýt soát 73%. TP.Thủ Ðức khối lượng GPMB lớn hơn nhưng cũng đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ, từ nay đến mốc bàn giao mặt bằng còn khoảng 2 tuần, chắc chắn số lượng sẽ còn tăng lên. 

"GPMB là nhiệm vụ đáng lo nhất nhưng đến nay, kết quả rất đáng mừng. Ngày chi trả tiền cho người dân như ngày hội, rất nhiều sáng kiến đã được địa phương triển khai như tặng bản vẽ thiết kế cho người dân, miễn phí cấp phép xây dựng, thanh toán qua tài khoản, giá bồi thường cũng chưa bao giờ tiệm cận được thị trường như thế… Mọi chính sách hỗ trợ, mọi quyết tâm của cả TP đã được triển khai bước đầu thành công. Chúng tôi không chủ quan nhưng tự tin với mốc khởi công dự án trước 30.6", ông Lương Minh Phúc không giấu nổi sự vui mừng.

Liên quan đến nguồn vật liệu xây dựng, kết quả khảo sát thực tế tại các địa phương cho thấy đất đắp nền đường, cát xây dựng, đá xây dựng các loại cơ bản đảm bảo nguồn cung ứng cho dự án. Riêng khoảng 7,2 triệu m3 cát đắp nền đường đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp. Theo báo cáo của tổ công tác vật liệu liên tỉnh, nguồn cát đắp nền đã đáp ứng khoảng 5,8 triệu m3 (đạt khoảng 80,5%), sẵn sàng phục vụ cho công tác khởi công dự án và phục vụ thi công trong các năm 2023, 2024, đầu năm 2025. 

Riêng đối với 1,4 triệu m3 còn lại (phục vụ thi công năm 2025), tổ công tác cũng đã làm việc với các địa phương về các mỏ có thể đảm bảo cung cấp đầy đủ khối lượng này, đồng thời sẽ tiếp tục tiến hành các thủ tục liên quan với Bộ TN-MT và các địa phương trong thời gian tới. Nhìn chung, đến thời điểm hiện nay, nguồn vật liệu cung cấp cho Vành đai 3 đã sẵn sàng và các đơn vị sẽ có biện pháp đảm bảo phục vụ công tác thi công liên tục đến khi hoàn thành dự án.

Cách làm mới sẽ được nhân rộng cho các dự án khác

Ông Lương Minh Phúc cho biết: "Đến thời điểm này, có thể nói gần như cả TP.HCM đang cùng chung tay làm Vành đai 3 một cách rất cảm xúc, không chỉ là nhiệm vụ đơn thuần. Đây không chỉ là giấc mơ, là khát vọng của TP.HCM suốt hơn 1 thập niên qua mà còn là niềm tin cho ngành giao thông TP trong giai đoạn tới. Cách tiếp cận, cách thực hiện Vành đai 3 mở ra cách làm mới, làm cơ sở để TP.HCM đề xuất các cơ chế mới trong dự thảo cơ chế đặc thù thay thế Nghị quyết 54 đang trình Quốc hội. Từ đây, cách làm mới sẽ được nhân rộng cho các dự án khác, giao thông TP.HCM sẽ chứng kiến những bước đột phá trong tương lai".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.