Ông đánh giá như thế nào về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 2016 và những tháng đầu 2017?
Nếu chúng ta liên kết các giải pháp ngắn hạn và dài hạn của Chính phủ trong báo cáo có thể thấy nhóm các giải pháp nâng cao hiệu quả, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào nguồn đầu tư công. Ba giải pháp đầu tiên được đề cập là sớm đưa dự án sân bay Long Thành, dự án chống ngập ở TP.HCM, một phần dự án cao tốc bắc - nam vào triển khai. Chính phủ cũng đã tính đến việc 6 tháng cuối năm 2017, dự án Formosa đi vào hoạt động để có thể đạt được tốc độ đóng góp 0,16% cho GDP...
Có thể thấy giải pháp ngắn hạn 2017 vẫn là sử dụng đòn bẩy đầu tư công để tạo ra tốc độ tăng trưởng. Như vậy những vấn đề như nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng VN thông qua các sản phẩm, hoạt động của doanh nghiệp vẫn chưa được mong muốn.
Chiều 22.5, Chính phủ cũng đã trình ra dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Các tổ chức tín dụng và dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Vấn đề nợ xấu, như các kỳ họp trước được đề cập là “cục máu đông” làm nghẽn nền kinh tế. Hy vọng bên cạnh giải pháp đầu tư công, Chính phủ sẽ có giải pháp với các vấn đề trên để chúng ta có thể có được một hệ thống tổ chức tín dụng lành mạnh, qua đó hạ được lãi vay của nền kinh tế, làm cho giá vốn của VN có khả năng cạnh tranh các nước trong khu vực.
Báo cáo của Chính phủ cho biết sau 4 năm đã giải quyết được 610.000 tỉ đồng nợ xấu. Theo ông đó có thể coi là một thành quả hay không?
Sau 4 năm chúng ta đã làm được rất nhiều việc nhưng vẫn phải ban hành một nghị quyết về xử lý nợ xấu, có thể thấy bối cảnh 4 năm trước khủng khiếp như thế nào. Thành công của chúng ta là ngoài việc giữ cho nợ xấu không bị sụp đổ nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng của khối các tổ chức tín dụng. Đó là một thành công rất lớn trong lĩnh vực ngân hàng. Nhưng phải thấy rằng, việc xử lý nợ xấu nó còn gian nan hơn cả 4 năm trước nên chúng ta mới làm nghị quyết để xây dựng các cơ chế rất đặc thù để xử lý vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về mục tiêu tăng trưởng 6,7% do Chính phủ đặt ra. Liệu có thể đạt được chỉ tiêu này hay không trong bối cảnh có nhiều khó khăn như hiện nay?
Vấn đề là chúng ta muốn nền kinh tế phát triển theo số lượng hay chất lượng. Đứng ở góc độ chất lượng tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay thì thấy để đạt được con số 6,7% là không thể. Nhưng ở góc độ để đạt được tăng trưởng thì chúng ta sẵn sàng có các biện pháp. Trước đây khi đưa ra bài toán về tăng trưởng không ai biết được rằng Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Lúc đó chúng ta tính rằng khi TPP có hiệu lực vào 2017 thì tốc độ tăng trưởng của chúng ta sẽ cao. Giờ Mỹ rút ra thì mình phải chấp nhận tìm các biện pháp khác.
Từ nay đến hết năm 2017 các biện pháp Chính phủ đặt ra có hiệu quả không thì còn phụ thuộc các yếu tố khách quan của nền kinh tế. Nếu tình hình Syria ổn định, giá dầu ở mức như hiện nay thì nâng cao năng suất ngành dầu khí, tiết kiệm một chút là có thể đạt được tốc độ đó. Nếu giá dầu tiếp tục xuống thì có khả năng chúng ta phải hạ sản lượng mặc dù vẫn nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng. Phải thấy là tốc độ phát triển kinh tế là một chỉ tiêu quan trọng, nhưng không phải chỉ tiêu quyết định đến việc phát triển của đất nước.
Không nên tăng khai thác dầu chỉ để đẩy nhanh nguồn thu
Trả lời báo chí, đại biểu Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) cho rằng nếu giải quyết được vấn đề giải ngân thì mức tăng trưởng 6,7% như con số Chính phủ đề ra có thể đạt được. Điều này đồng nghĩa với việc mức đầu tư được đẩy lên cao, điều có thể khiến Chính phủ phải cân nhắc.
Liên quan đến giải pháp tăng sản lượng khai thác dầu thô để đạt kế hoạch GDP của Chính phủ, ông Cường nêu quan điểm: “Chúng ta không dựa vào đó (việc khai thác dầu - PV) làm trụ cột phát triển nhưng không phải hoàn toàn bỏ qua. Chúng ta có thể tăng khai thác nhưng tăng ở mức độ nào đó để đảm bảo cân đối nguồn thu chứ không phải khai thác dầu chỉ để đẩy nhanh nguồn thu”.
Trường Sơn
|
Bình luận (0)